Năm 2017, Không quân Qatar có 12 máy bay Mirage 2000, 18 máy bay vận tải và 46 máy bay trực thăng mới. Đồng thời, Qatar đặt mua lô mới gồm 36 máy bay tiêm kích F-15QA và 24 máy bay trực thăng Apache của Mỹ, 24 máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon của Anh, 36 máy bay tiêm kích Rafales của Pháp, 28 máy bay trực thăng NH-90 của Ý. Nếu tính cả số lượng vũ khí đã đặt mua, kho vũ khí của Qatar sẽ tăng gấp đôi quy mô vào năm 2024.
Sự hiện diện của Mỹ
Mục đích của học thuyết phát triển quân sự của Qatar, được xây dựng năm 1996, là chứng minh rằng Qatar không đơn độc trong khu vực và các đối thủ trong khu vực không thể tấn công nước này mà không gây nguy hiểm cho mối quan hệ của họ với Mỹ, Pháp và Anh và không mạo hiểm đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Yazid Sayegh, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Trung Đông Carnegie, nói rằng “trong nhiều thập kỷ, các quốc gia Vùng Vịnh đã ký kết các hợp đồng cung cấp vũ khí lớn với Mỹ và các nước phương Tây khác dưới dạng bảo hiểm: các nước Vùng Vịnh giúp tạo việc làm trong ngành công nghiệp quân sự phương Tây, đến lượt mình, phương Tây bảo vệ các quốc gia Vùng Vịnh trước các mối đe dọa từ bên ngoài”. Qatar mong muốn những lợi ích tương tự từ việc hợp tác quân sự với các đối tác phương Tây.
Qatar hoan nghênh sự hiện diện thường xuyên của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình; việc triển khai quân Mỹ trên đất Qatar trở thành cơ sở hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Việc phê chuẩn Thỏa thuận hợp tác quốc phòng năm 1992 cho phép Qatar và Mỹ hợp tác quân sự ở cấp độ cao.
Năm 2002, Mỹ đóng quân tại các căn cứ quân sự của Qatar. Trụ sở của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ CENTCOM xuất hiện tại trại Al-Sailiya ở Doha, còn căn cứ không quân Al-Udayd trở thành căn cứ lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, nơi đồn trú của 8.000 quân nhân Mỹ tham gia các cuộc chiến ở Iraq, Syria và Afghanistan, cũng như trong chiến dịch “Quyết tâm cố hữu”, chống lại Nhà nước Hồi giáo. Căn cứ không quân Al-Udayd cũng có tầm quan trọng chiến lược, vì 80% hoạt động tiếp nhiên liệu cho máy bay Mỹ diễn ra ở đây.
An ninh của Qatar trước hết phụ thuộc vào sự hiện diện của Mỹ, nó là sự bảo hiểm và yếu tố kìm hãm một cuộc tấn công quân sự có thể xảy ra từ Arab Saudi. Còn một lợi thế khác là kinh nghiệm huấn luyện, diễn tập và lập kế hoạch mà quân đội Mỹ chia sẻ với Qatar. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Mỹ cũng được chuyển giao cho các nước láng giềng khác trong khu vực, điều này góp phần tạo nên khả năng tương tác tiềm năng trong khu vực.
Đi trên dây
Một trong những nhiệm vụ chính trong chính sách của Doha là cân bằng giữa các đối tác quốc phòng khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Anthony Cordesman, “vị thế của Qatar vẫn bấp bênh vì chiến lược của nước này phụ thuộc vào sự cân bằng giữa nhiều thế lực cạnh tranh: chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, phương Tây, các nước vùng Vịnh, Iran và lợi ích của đất nước. Tương lai của Qatar phụ thuộc vào việc nước này thực hiện đường lối của mình tốt đến mức nào để không cho phép bất kỳ lực lượng nào trong số đó cản đường”.
Từ năm 2012, giới lãnh đạo Qatar đã tăng cường hợp tác mạnh mẽ với Thổ Nhĩ Kỳ. Liên minh với một cường quốc khu vực cạnh tranh với Arab Saudi và UAE, có chung quan điểm tư tưởng đã giúp Qatar vượt qua sự cô lập ngoại giao trong cuộc khủng hoảng năm 2017. Theo ông Gawdat Bahgat, “liên minh với một cường quốc lớn trong khu vực - Thổ Nhĩ Kỳ là cách duy nhất để đối phó với các mối đe dọa”.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện trên lãnh thổ Qatar từ tháng 10/2015, khi Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng căn cứ quân sự Tariq bin Ziyad ở Doha. Còn sau cuộc khủng hoảng ngoại giao, có 5.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar. Kể từ năm 2017, Qatar đã đặt mua một số lượng lớn vũ khí mới của Thổ Nhĩ Kỳ: 100 xe tăng, 585 xe chiến đấu bọc thép, 25 pháo tự hành và 6 máy bay không người lái.
Mới đây, Qatar dường như đã đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc tạm thời triển khai 36 máy bay chiến đấu của nước này (Rafales và Mirage) trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Song song, Qatar đã ký kết các thỏa thuận đào tạo phi công của mình tại Mỹ và Ý. Các thỏa thuận song song với những đối tác khác nhau có thể trở nên rất phức tạp về mặt chính trị. Pháp, một trong những đồng minh quân sự quan trọng của Qatar, có thể phản đối việc đưa máy bay Pháp sang Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm nước này đang tiến hành các cuộc đàm phán để cung cấp máy bay chiến đấu tương tự cho Hy Lạp và Ấn Độ. Sự cân bằng mong manh như vậy giữa các đồng minh khác nhau và lợi ích của họ có thể gây nguy hiểm cho chính sách tương tác của Qatar, vốn đang cố gắng hợp tác với quá nhiều đối tác khác nhau trong lĩnh vực quân sự.
Như vậy, giới lãnh đạo Qatar đang tìm cách sử dụng sự hợp tác quân sự với các cường quốc phương Tây để xây dựng tiềm lực quốc phòng và nâng cao kỹ năng vận hành vũ khí của mình. Cuộc khủng hoảng năm 2017 đã chứng minh cho giới lãnh đạo Qatar thấy sự cần thiết phải phát triển tiềm lực quân sự quốc gia và giành được sự độc lập nhiều hơn với các đồng minh nước ngoài.