Qatar lỗ nặng vì World Cup?

20/11/2022, 14:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GDP của Qatar chỉ rơi vào khoảng 180 tỷ USD trong năm 2022. Nhưng nước chủ nhà đã chi tới 230 tỷ để tổ chức kỳ Cúp thế giới đầu tiên vào mùa đông.

Chủ nhà Qatar cực kỳ bạo chi vì World Cup.

12 năm về trước, Qatar gây chấn động thế giới bóng đá khi vượt qua cả Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản lẫn Australia để chính thức giành quyền đăng cai World Cup 2022.

Ngay từ thời điểm ấy, họ đã làm thổn thức con tim của những CĐV bóng đá mơ mộng nhất khi công bố dự án xây mới hoàn toàn 7 sân vận động với các thiết kế cực kỳ độc đáo và đậm đà bản sắc địa phương. “Kỳ diệu” là hai từ mà nhiều tờ báo quốc tế đã dùng để miêu tả những bản thiết kế này.

Bạo chi cho giấc mơ

Chi phí cho mộng mơ tất nhiên là cực đắt. Nhưng Qatar thậm chí đã đầu tư nhiều hơn thế.

12 năm sau, những SVĐ trong mơ ngày nào đã mọc lên giữa đời thực. Song theo công bố của nước chủ nhà, các công trình xây dựng này cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong số tiền ước tính mà đất nước vùng vịnh đã đầu tư cho World Cup kể từ năm 2010.

230 tỷ USD là con số đó tính đến thời điểm hiện tại. Để hình dung cho độ khổng lồ thì nó lớn gấp gần 20 lần số tiền mà Nga đã bỏ ra để tổ chức World Cup 2018. Còn ở một mức độ tổng quát hơn thì gấp gần 5 lần chi phí của 7 chủ nhà VCK gần nhất. Quá xa xỉ.

Qatar anh 1

Qatar chi tiền nhiều hơn 5 quốc gia chủ nhà World Cup gần nhất cộng lại. Ảnh: Reuters.

Dòng tiền đã chảy vào những hạng mục nào? Ngoài việc xây mới hoàn toàn 7 SVĐ và tân trang một sân, Qatar còn cải tạo hạ tầng giao thông, khách sạn, viễn thông. Họ cũng xây mới thêm hoàn toàn một sân bay cùng hơn 100 khách sạn với quy mô hơn 20.000 phòng.

Nhìn sang một khía cạnh khác, đây không chỉ là giải đấu của Qatar mà tất nhiên còn là bộ mặt của FIFA. Cơ quan quyền lực nhất thế giới bóng đá cũng chi mạnh tay để vận hành giải đấu. Trong đó, một số khoản đã được công bố là 440 triệu USD tiền thưởng cho các đội bóng, 247 triệu USD để vận hành công tác truyền hình, 326 triệu USD để chi cho các CLB có cầu thủ dự World Cup và ngoài ra còn 207 triệu USD trả lương cho đội ngũ nhân sự phục vụ giải đấu.

Không cần phải tinh ý cũng nhận ra tổng chi của FIFA (1,7 tỷ USD) cũng chẳng thấm vào đâu so với những gì mà Qatar đã và đang đầu tư cho giải đấu lịch sử này.

Giáo sư kinh tế Andrew Zimbalist của Cao đẳng Smith (Mỹ) nhận định đây rõ ràng là một quyết tâm cực lớn của Qatar đối với thế giới bóng đá bởi GDP của quốc gia này chỉ rơi vào khoảng 180 tỷ USD trong năm 2022. Nghĩa là, Qatar thậm chí đã chi hơn 100% GDP của mình để tổ chức World Cup.

Thông tin trên càng đáng chú ý hơn khi doanh thu của Qatar từ World Cup năm nay được dự đoán không đáng kể. Theo tạp chí kinh tế thể thao Sportico, nước chủ nhà sẽ đón khoảng 1,3 triệu lượt du khách trong 1 tháng diễn ra sự kiện và thu về 1,56 tỷ USD từ tiền khách sạn, nhà hàng, đi lại...

Song ngay cả miếng bánh từ lượng khách du lịch đó cũng không hoàn toàn thuộc về nước chủ nhà. Cụ thể nếu khách du lịch mùa World Cup mua hàng hóa, đồ uống hoặc bất kỳ món nào khác từ các thương hiệu đối tác của FIFA, họ sẽ gần như không đóng góp vào doanh thu thuế của Qatar vì FIFA và các thương hiệu tài trợ cho họ có “truyền thống” yêu cầu chủ nhà giảm thuế xuống mức tối thiểu trong các kỳ World Cup. Đôi khi, đó còn là đề xuất từ chính phía chủ nhà để giành quyền đăng cai. Còn nhớ, Đức từng mời chào 272 triệu USD giảm thuế trong chiến dịch vận động đăng cai World Cup 2006.

Cộng thêm việc không được FIFA chia sẻ doanh thu bản quyền truyền hình, tiền tài trợ và thậm chí cả tiền bán vé các trận đấu, Qatar xác định trước tinh thần là sẽ lỗ nặng.

Qatar anh 2

World Cup 2022 được kỳ vọng kích cầu du lịch tại Qatar. Ảnh: Reuters.

Thả tôm bắt tôm hùm?

Ở một góc nhìn khác, có thể khẳng định họ đã rất chịu chơi để tối đa hóa chiến dịch xây dựng thương hiệu từ sự kiện toàn cầu này. Với hơn một thập kỷ, Qatar đã chuẩn bị cho VCK này lâu hơn bất kỳ nước chủ nhà nào trước đó. Từ khi bóng còn chưa lăn, họ đã muốn tạo nên một World Cup vĩ đại, xa hoa bậc nhất trong lịch sử.

Tất cả những nỗ lực đó không nhằm mục đích nào khác ngoài khuếch trương tầm ảnh hưởng của quốc gia non trẻ với tuổi đời 51 năm này ra khu vực của họ và cả thế giới nói chung ở mọi phương diện: văn hóa, du lịch đến đòn bẩy kinh tế, ngoại thương và đầu tư.

Sự kiện này cũng sẽ mang lại cho Qatar một vai trò quan trọng hơn về địa chính trị. Đăng cai World Cup từ lâu đã được giới chính trị gia xem như một cách hữu hiệu để thể hiện quyền lực mềm. Một hình ảnh so sánh dễ hiểu, nó mở ra một cánh cửa sổ hút cả thế giới nhìn vào quốc gia đó để thấy đây là một địa điểm tốt để tìm đến tham quan hoặc làm ăn.

Trong tầm nhìn dài hạn, những cơ sở vật chất ở đẳng cấp hàng đầu đã được xây nên, nếu được quản lý đúng cách, sẽ tránh được nguy cơ lãng phí và còn mở rộng hơn nữa tiềm năng kinh tế của quốc gia đó.

Và cuối cùng, tất nhiên là không thể bỏ qua khía cạnh thể thao nữa: Đội tuyển Qatar cũng đã được chuẩn bị cho VCK này từ hơn một thập kỷ trước với những khoản đầu tư khổng lồ, bài bản và cả sự kiên nhẫn cần thiết.

Zing từ Doha: Nhà báo Argentina trấn an về tình hình của Messi Chia sẻ với Zing, Maria Belen Hermina, nhà báo người Argentina thường trú ở Qatar, tin tưởng vào khả năng ra sân của Lionel Messi trong trận ra quân của Argentina ở World Cup 2022.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Qatar lỗ nặng vì World Cup?