Các dữ liệu hàng hải do Washington Post thu thập, cho thấy Nga đã vận chuyển hơn 2,7 triệu thùng dầu tới kho lưu trữ Dortyol của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi lệnh cấm được EU và G7 áp đặt. Con số này tương đương hơn 69% tổng lượng dầu được đưa tới kho lưu trữ này bằng đường biển trong cùng giai đoạn. Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quốc gia bị ràng buộc bởi lệnh cấm.
"Tôi có thể đi đến kết luận rằng dầu Nga đã được chuyển đến nhà máy Motor Oil Hellas", Robert Auers, nhà phân tích thị trường nhiên liệu tại công ty nghiên cứu RBN Energy ở Mỹ, nói. Một khi được vận chuyển tới Hy Lạp, dầu thô trên không còn được coi là dầu Nga. Nhà máy Motor Oil Hellas sản xuất nhiên liệu và các sản phẩm tinh chế từ dầu thô, sau đó bán cho quân đội Mỹ. Không thể xác định chính xác lượng nhiên liệu có nguồn gốc từ Nga trong các sản phẩm mà quân đội Mỹ mua. Những sản phẩm đó được tinh chế bằng nhiều thành phần trong quá trình sản xuất mà người ngoài không thể nắm bắt”, Washington Post cho biết.
Kể từ khi lệnh cấm dầu thô Nga có hiệu lực vào năm ngoái, quân đội Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 1 tỷ USD với nhà máy Motor Oil Hellas, Washington Post tiết lộ. Dầu thành phẩm cũng được Motor Oil Hellas chuyển tới khách hàng ở Italia, Pháp, Tây Ban Nha và Anh.
Joe Yoswa, người phát ngôn Cơ quan Hậu cần Quốc phòng của Lầu Năm Góc, đơn vị chịu trách nhiệm mua nhiên liệu cho quân đội Mỹ, nói rằng cơ quan này không biết nguồn gốc dầu thô được chuyển tới nhà máy lọc dầu ở Hy Lạp. Ông Yoswa cho rằng, xác minh nguồn gốc của dầu thô là trách nhiệm của các nhà máy như Motor Oil Hellas.
Motor Oil Hellas cho biết, công ty "không mua, chế biến hoặc giao dịch các sản phẩm dầu Nga. Tất cả hàng nhập khẩu đều được chứng nhận có nguồn gốc từ những quốc gia khác".