Theo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị, việc sắp xếp các cơ sở giáo dục giúp giảm số lượng đầu mối đơn vị hành chính, cán bộ quản lý giáo dục, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Có sự chủ động trong việc cân đối, điều tiết, bố trí đội ngũ, phân công lao động trong đơn vị. Một số trường có quy mô trường lớp lớn, có ít điểm trường và các điểm trường gần nhau thuận lợi trong việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
Mặt khác, việc sắp xếp tổ chức lại đơn vị giáo dục công lập, đồng thời thực hiện giải pháp xóa phòng học tạm, xóa điểm lẻ không đủ quy mô trong 3 năm qua đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có gần 900 điểm trường, giảm 40 điểm trường so với trước khi sáp nhập.
Tuy nhiên, việc sắp xếp các cơ sở giáo dục tồn tại một số hạn chế, khó khăn về công tác quản lý và tổ chức hoạt động dạy học, cũng như các chế độ chính sách...
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã đề ra nhiều giải pháp: tuyên truyền, giải thích, vận động cán bộ, nhân dân hiểu rõ chủ trương của đề án; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong các đơn vị; sắp xếp, bố trí các điểm trường lẻ hợp lý, đảm bảo khoảng cách; xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên sau sáp nhập đảm bảo tính công khai, minh bạch, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại các điểm trường...
Qua đó, Sở GD&ĐT đề xuất UBND tỉnh thực hiện song song việc sáp nhập trường có thể thực hiện tách một số trường quy mô lớn, nhiều điểm trường khó khăn trong việc quản lý, tổ chức hoạt động, khi tách trường vẫn đảm bảo cơ cấu số lớp.
Ngoài ra, do tồn tại nhiều điểm trường sau sáp nhập nên đề nghị UBND tỉnh có chủ trương cho các điểm lẻ có giáo viên kiêm nhiệm và bố trí cán bộ quản lý tối thiểu cho trường có 2 cấp học; đảm bảo các chế độ chính sách...
UBND các huyện, thị xã, thành phố đánh giá lại công tác sáp nhập trường và tiếp tục xây dựng kế hoạch trong giai đoạn mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.