Để xác định bổ sung một loại cấp kỹ thuật đường bộ cần xem xét, đánh giá kỹ và cần xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật... do đó, Quốc hội không đồng ý bổ sung đường tốc độ cao’ vào quy định của Luật.
Sáng 27-6, tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Luật Đường bộ, với 447/454 đại biểu (ĐB) có mặt tán thành.
Luật Đường bộ vừa được QH thông qua gồm 6 chương, với 68 điều, có hiệu lực thi hành từ 1-1- 2025, trừ một số điều luật sẽ có hiệu lực thi hành sớm hơn, từ 1-10-2024.
Đề nghị quy định thẩm quyền đặt tên đường ngay trong Luật
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cho hay liên quan đến việc đặt tên, đổi tên, số hiệu đường bộ, có ý kiến ĐBQH đề nghị đặt theo số lẻ, nếu theo hướng Đông - Tây thì đặt số chẵn. Đường cao tốc ở địa phương nối vào đường cao tốc chính thì thêm các ký tự A, B, C, D.
Biển chỉ dẫn lên đường cao tốc cũng quy định rõ ràng, biển hướng dẫn lên cao tốc phải có hướng và phải có địa phương cấp huyện hướng xe chuẩn bị đi tới…
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 27-6. Ảnh: PHẠM THẮNG
Về nội dung này, cơ quan thường trực của QH cho rằng việc đặt số hiệu các đường cao tốc theo hướng Bắc Nam theo số lẻ, Đông Tây theo số chẵn… là nội dung cụ thể sẽ được quy định tại các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Tuy nhiên, đường cao tốc ở nước ta đầu tư không cùng thời điểm nên đặt số hiệu thống nhất ngay là khó khăn.
Ngoài ra, khác với một số nước, địa lý nước ta trải dài, phía Bắc và phía Nam rộng. Trong khi đó, miền Trung có chiều ngang hẹp nên có nhiều tuyến cao tốc đi không theo hướng Bắc Nam hay Đông Tây.
Báo cáo của UBTVQH dẫn chứng cao tốc Hoà Bình – Sơn La đi theo hướng Tây Bắc; cao tốc ven biển Thái Bình – Ninh Bình- Thanh Hoá thì vừa theo hướng Đông Tây, vừa theo hướng Bắc Nam…
“Do tính đa dạng đó nên cần quy định đặt tên số hiệu đường cao tốc trong văn bản hướng dẫn để không ảnh hưởng đến tính ổn định của Luật này” - UBTVQH nêu rõ và đề nghị QH cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình QH thông qua là giao Chính phủ quy định chi tiết việc này.
Quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị quy định thẩm quyền đặt tên đường bộ ngay trong Luật. Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng việc quy định thẩm quyền đặt tên đường bộ là nội dung giao Chính phủ quy định cụ thể ở Nghị định hướng dẫn thi hành.
Với 447/454 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Luật Đường bộ. Ảnh: NT
Một số nước trong khu vực không có tiêu chuẩn riêng cho đường tốc độ cao
Liên quan đến cấp kỹ thuật của đường bộ (Điều 10), UBTVQH cho hay có ý kiến đề nghị bổ sung ‘đường tốc độ cao’ để bao quát hết tất cả các loại đường và tổ chức giao thông phù hợp.
Về vấn đề này, cơ quan thường trực của QH cho rằng hệ thống đường bộ của nước ta hiện chưa có quy định về đường tốc độ cao.
“Để xác định bổ sung một loại cấp kỹ thuật đường bộ cần xem xét, đánh giá kỹ và cần xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Mặt khác, đường cấp I đã có thiết kế tối đa tới 120 km/giờ” - theo UBTVQH.
Ngoài ra, tham khảo quy định của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc không quy định và không có tiêu chuẩn riêng cho đường tốc độ cao.
“UBTVQH đề nghị QH không bổ sung cấp đường này trong dự thảo Luật” - theo báo cáo.
Điều 10 Luật Đường bộ vừa được QH thông qua quy định cấp kỹ thuật của đường bộ được quy định trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế của đường bộ, bao gồm: đường cao tốc; đường từ cấp I đến cấp VI; đường đô thị; đường cấp A, B, C, D, đường khác.
Riêng cấp kỹ thuật của đường đô thị thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành và tiêu chuẩn kỹ thuật do cấp có thẩm quyền công bố.
Các đường còn lại thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành và tiêu chuẩn kỹ thuật do cấp có thẩm quyền công bố.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: PHẠM THẮNG
Đáng chú ý, điều khoản chuyển tiếp của Luật quy định đối với dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tại Luật này được tiếp tục đầu tư theo quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng một số quy định của Luật này và các tuyến đường cao tốc nêu trên thì lộ trình đầu tư xây dựng đáp ứng quy định của Luật này thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Theo yêu cầu của Luật Đường bộ vừa được QH thông qua, đường cao tốc được thiết kế theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan.
Đường cao tốc được đầu tư, xây dựng phù hợp với quy hoạch và đầu tư, xây dựng đồng bộ các công trình, gồm: Đường gom hoặc đường bên; Trung tâm quản lý, vận hành giao thông tuyến đường cao tốc; Trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe; Hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu tiền sử dụng đường bộ; Công trình kiểm soát tải trọng xe.
Không đồng ý bổ sung quy định thu phí giao thông nội đô với ô tô cá nhân Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, UBTVQH cho hay có ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc bổ sung phí giao thông nội đô áp dụng đối với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định. Quy định này nhằm một mặt hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị. Mặt khác, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng quy định về phí giao thông nội đô không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Bởi vậy, cơ quan này đề nghị QH chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật. |