Giáo dục

Quy định chặt chẽ hơn hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật Nhà giáo

03/06/2024 19:08

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội đưa ra một số ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo.

Để nâng cao vị thế của nhà giáo, PGS Trần Thành Nam góp ý cần quy định chặt chẽ hơn về những hành vi nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân đối với nhà giáo.

PGS.TS Trần Thành Nam phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về quản lý nhà nước đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo diễn ra chiều 2/6. Ảnh: Xuân Phú.

Theo đó, không chỉ nghiêm cấm hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo”, mà còn là tất cả những hình thức gây áp lực thao túng tâm lý khác; ví dụ như không phối hợp, không hợp tác hoặc tạo môi trường mang tính thù địch, sợ hãi…

Cũng cần nghiên cứu bổ sung thêm các đặc quyền cho nhà giáo, không chỉ là ưu đãi về dịch vụ, quyền lợi mà còn có những hình thức hỗ trợ về tâm lý cho nhà giáo, quyền được bảo vệ thông tin cho nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo cũng nghiêm cấm hành vi “công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo”.

PGS Trần Thành Nam cho rằng, ngay cả khi đã có kết luận của vụ việc cũng cần thông tin một cách cân nhắc, không làm lộ mặt hoặc công khai chính xác danh tính để cá nhân đó có thể không còn đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà giáo thì vẫn có cơ hội đi làm nghề khác.

Với quy định người đứng đầu cơ sở giáo dục phải là nhà giáo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục đồng tình; tuy nhiên đặt vấn đề: để đánh giá về vị thế cán bộ quản lý giáo dục, liệu có nên quy định về mức tín nhiệm cao hơn lãnh đạo của các ngành/đơn vị khác?

Ngoài ra, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, nhà giáo đóng vai trò như một nhà giáo dục; áp dụng thành tựu nghiên cứu mới về khoa học sư phạm, công nghệ giáo dục vào quá trình dạy dỗ và phát triển nhân cách người học.

Nhà giáo đồng kiến tạo nên trí thức mới cùng người học, nên nghiên cứu khoa học không nên chỉ là hoạt động của giảng viên đại học.

Từ đó, PGS Trần Thành Nam đề nghị bổ sung hoạt động nghiên cứu khoa học vào hoạt động nghề nghiệp của giáo viên.

Thêm nữa, việc phát hiện, bồi dưỡng, phát triển nhân tài cũng không chỉ nên là hoạt động của giảng viên đại học, vì tài năng nghệ thuật có thể nảy mầm từ cấp mầm non, tài năng về khoa học cơ bản có thể đã được kích hoạt từ THCS.

Riêng với nội dung đang được nhiều ý kiến quan tâm là chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, PGS Trần Thành Nam ủng hộ việc này như một số quốc gia đã tiến hành, nhưng cần làm sao cho thống nhất, không nên có quá nhiều chứng chỉ cho các cấp và các bộ môn khoa học. Cũng nên có các trường hợp công nhận tương đương để tránh thêm thủ tục hành chính cho những cá nhân đã đảm bảo năng lực.

Bên cạnh đó, cần tính đến việc làm sao để tăng giá trị thặng dư của chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Ví dụ, chứng chỉ này sẽ được công nhận sử dụng chung trong khu vực để tạo cơ hội cho nhà giáo đáp ứng chuẩn làm việc trong môi trường quốc tế tại Việt Nam, hoặc tăng tính di động nghề nghiệp giữa các nước trong khu vực.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/quy-dinh-chat-che-hon-hanh-vi-bi-nghiem-cam-trong-du-thao-luat-nha-giao-post685967.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/quy-dinh-chat-che-hon-hanh-vi-bi-nghiem-cam-trong-du-thao-luat-nha-giao-post685967.html
Bài liên quan
Bộ GD&ĐT xin ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo
Chiều 12/1, Bộ GD&ĐT tổ chức phiên họp xin ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy định chặt chẽ hơn hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật Nhà giáo