Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo từng hạng tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là tuân thủ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 26 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức: “Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là một trong những điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được đăng ký dự thi nâng ngạch, đăng ký dự thi thăng hạng; xét bổ nhiệm vào ngạch, hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề”.
Theo quy định mới tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2021) thì “mỗi chuyên ngành có 1 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 6 tuần”. Theo đó, khi thực hiện bổ nhiệm, xếp lương đối với giáo viên mầm non, phổ thông chỉ yêu cầu mỗi giáo viên có 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tại các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT bảo đảm tuân thủ quy định mới của Chính phủ tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP và đang xin ý kiến góp ý của tất cả giáo viên mầm non, phổ thông về các nội dung cần sửa đổi, trong đó có vấn đề nêu trên.