Quy định về công khai trong hoạt động của cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân là cơ sở quan trọng để xã hội giám sát, đóng góp vào việc công khai, minh bạch khoản thu – chi hợp pháp trong cở sở giáo dục, theo ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).
- Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT) vẫn có hiệu lực. Vậy tại sao phải ban hành thông tư mới thay thế?
- Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Thông tư 36) được ban hành từ năm 2017. Đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được sử dụng làm căn cứ ban hành Thông tư 36 đã thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới.
Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ… đã ban hành nhiều nghị định, thông tư, trong đó một số nội dung quy định chi tiết về việc công khai của cơ sở giáo dục; đặc biệt là cơ sở giáo dục đại học.
Ngoài thực hiện công khai, cơ sở giáo dục, đào tạo còn phải cập nhật thông tin liên quan đến nội dung công khai trên cơ sở dữ liệu ngành. Trách nhiệm minh bạch, công khai thông tin của cơ sở giáo dục gắn với trách nhiệm giải trình trước xã hội trong bối cảnh thay đổi cơ chế quản lý Nhà nước từ hành chính tập trung sang trao quyền tập trung vào quá trình, chất lượng giáo dục, đào tạo.
Do có nhiều quy định mới về nội dung, cách thức, thời gian công khai trong văn bản nêu trên đã thay thế cho một số nội dung có liên quan đến Thông tư 36, làm cho Thông tư này không còn giữ nguyên tính tổng thể. Bên cạnh đó, nhiều nội dung công khai gắn với việc cập nhật số liệu trên cơ sở dữ liệu ngành, bảo vệ bí mật thông tin Nhà nước theo quy định hiện hành của pháp luật.
Vì vậy, với 21 biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư 36 chi tiết mà cơ sở giáo dục cần công khai có nhiều nội dung bị chồng chéo, không bảo đảm tính thống nhất với yêu cầu quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác, không phù hợp với quy định hiện hành về tuyển sinh; mở ngành; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; công khai tài chính, cơ cấu tổ chức, bộ máy đối với đơn vị sự nghiệp công, cơ sở giáo dục tư thục, phần nào gây khó khăn cho cơ sở giáo dục khi thực hiện.
Ông Huỳnh Văn Chương. Ảnh: Lê Anh |
- So với Thông tư 36, dự thảo thông tư lần này có gì mới?
- Dự thảo Thông tư mới được bố cục lại theo hướng giảm tối đa các biểu mẫu bắt buộc cơ sở giáo dục phải kê khai (từ 21 phụ lục giảm còn 2 phụ lục trong Dự thảo). Để tránh chồng chéo trong thực hiện do thông tin cơ bản công khai theo quy định được cập nhật trên cơ sở dữ liệu ngành, Dự thảo chỉ quy định nội dung, cách thức, thời điểm công khai và nguyên tắc công khai để cơ sở giáo dục chủ động xây dựng thông tin theo chủ đề tương thích với cấu trúc của trang thông tin điện tử.
Về hình thức và thời điểm công khai, dự thảo Thông tư đã bỏ quy định cơ sở giáo dục phải niêm yết nội dung công khai ở cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục mầm non chưa có cổng thông tin điện tử), mà thực hiện công bố công khai đầy đủ nội dung theo quy định tại Thông tư này trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, Dự thảo còn quy định cụ thể thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu, liên tục 5 năm kể từ ngày công bố công khai. Thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ nội dung công khai để bảo đảm việc tiếp cận thông tin tối thiểu 5 năm kể từ ngày niêm yết công khai.
Để giảm bớt thủ tục phiền hà trong báo cáo và tăng cường tính minh bạch, tự chủ, chịu trách nhiệm, giải trình của cơ sở và cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương, Dự thảo lần này bỏ quy định cơ sở giáo dục phải báo cáo kết quả thực hiện quy chế công khai của năm học trước và kế hoạch triển khai quy chế công khai của năm học sắp tới về cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục ở địa phương, cơ sở giáo dục chỉ báo cáo về công tác công khai khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT và cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền khác sẽ tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điểm mới nữa của dự thảo Thông tư là bổ sung quy định về nội dung Báo cáo thường niên. Báo cáo thường niên không phải là bản tổng hợp lưu thông tin công khai của Thông tư mà là một trong các hình thức công khai thể hiện bức tranh toàn cảnh về kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục theo từng năm. Thông qua số liệu công khai trong Báo cáo thường niên, thông tin có giá trị đối sánh của năm sau với năm trước để xã hội nhìn thấy sự phát triển và xu hướng của cơ sở giáo dục.
Ảnh minh họa ITN. |
- Ông có thể cho biết những quy định cốt lõi của dự thảo Thông tư lần này?
- Nội dung công khai quy định tại dự thảo Thông tư mang tính bao trùm (chủ yếu dựa trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và các quy định hiện hành của Chính phủ, Bộ GD&ĐT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Nguyên tắc công khai phải bảo đảm đúng quy định tại Thông tư này khi ban hành và quy định của pháp luật liên quan. Thông tin công khai bảo đảm đầy đủ, chính xác, tin cậy, cập nhật, dễ hiểu và tiếp cận, kịp thời, nhất quán với thông tin cập nhật trong cơ sở dữ liệu ngành.
Nội dung công khai được sắp xếp khoa học theo chủ đề, cập nhật trong năm; thuận lợi cho việc truy cập, sử dụng thông tin; phù hợp với quy định pháp luật liên quan và cấu trúc, định dạng của trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục với mục đích minh bạch cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng;
- Trong dự thảo Thông tư, từ khóa được dư luận quan tâm nhiều nhất là công khai. Vậy từ khóa này mang lại ý nghĩa và mục đích gì, thưa ông?
- Minh bạch các cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu chi tài chính tại cơ sở giáo dục và thông tin khác có liên quan của cơ sở giáo dục để cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục. Đây là mục đích chính của công khai.
Công khai theo đúng quy định pháp luật nhưng đơn giản hóa các thông tin, hạn chế việc cập nhật số liệu chi tiết về kỹ thuật, trùng nội dung, giảm biểu mẫu để góp phần thực hiện cải cách hành chính. Công khai cũng là một trong các căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục.
- Có chế tài nào xử lý nếu các cơ sở giáo dục và đào tạo không thực hiện công khai theo quy định?
- Chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công khai được quy định cụ thể trong Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Cụ thể, vi phạm về công khai trong tổ chức quản lý cơ sở giáo dục được quy định tại Điểm a Khoản 1; Điểm b, c Khoản 2; Điểm a Khoản 5 Điều 7; vi phạm các quy định công khai liên quan đến tuyển sinh, văn bằng chứng chỉ, liên kết đào tạo… quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 13; Điểm a, b Khoản 1 Điều 16; Điều 23; vi phạm về công khai trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục quy định tại Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 4 Điều 34;...
- Khi dự thảo thông tư được thông qua và có hiệu lực, liệu có đóng góp vào phòng, chống tình trạng lạm thu trong trường học, rộng hơn là phòng, chống tham nhũng?
- Phòng, chống lạm thu trong trường học, rộng hơn là phòng, chống tham nhũng được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; trong đó Thông tư này (nếu được ban hành) sẽ là cơ sở quan trọng để cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết, cùng tham gia giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục.
Thông tư cũng là một trong những căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục. Qua đó việc ban hành Thông tư này đóng góp/tác động vào việc công khai, minh bạch các khoản thu – chi hợp pháp trong cở sở giáo dục.
- Xin cảm ơn ông!
“Công khai thu, chi tài chính và thông tin khác có liên quan của cơ sở giáo dục để cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát. Đồng thời, đây là một trong những căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục”, ông Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh.