Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Hà Nội với sự phát triển như hiện nay mà quản trị vẫn như cũ là rất khó. Quốc hội đang thảo luận sửa đổi Luật Thủ đô, đây là cơ hội lớn để thể hiện tư duy đổi mới trong phát triển Thủ đô.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, trong Luật Thủ đô phải thể hiện mô hình phân cấp, phân quyền là mô hình bổ trợ. Tức là tất cả những gì Hà Nội làm được thì phân hết cho Hà Nội, chỉ những gì Hà Nội không làm được mới đưa lên Trung ương.
PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, Hà Nội là Thủ đô, đã từng được Bộ Chính trị ban hành nhiều nghị quyết riêng và là địa phương duy nhất có luật riêng (Luật Thủ đô). Vị thế Thủ đô đòi hỏi phải xem Hà Nội là một đơn vị cấp địa phương đặc thù, độc nhất.
PGS.TS Bùi Tất Thắng cho rằng, các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội phải thực sự có tính đột phá mới có hy vọng “tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp” để phát triển Thủ đô. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ chỉ rõ cần phải “hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô”; hệ thống cơ chế, chính sách dùng chung cho cả nước chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước.
Cũng theo PGS Thắng, các cơ chế, chính sách đúng là đặc thù so với quy định chung, nhưng khi thực thi mới thấy những điểm khác biệt đó không phát huy được bao nhiêu tác dụng. Trong một số trường hợp muốn thực hiện được thì phải tiếp tục xin tiếp cơ chế. Vậy là, những các cơ chế, chính sách ấy có “đặc thù”, nhưng chưa đủ mức “vượt trội”.
“Vượt trội ở đây cần được hiểu là thông thoáng hơn, dễ thực hiện và khả thi. Vì vậy, các cơ chế, chính sách phải thể hiện rõ hơn tư tưởng đột phá trong xác định quyền hạn, trách nhiệm; “phân cấp, phân quyền cho Thủ đô” và vận dụng những kinh nghiệm tốt trong mô hình chính quyền đô thị ở một số nước trên thế giới”, PGS Thắng nói thêm.