Quyết tâm dạy học chất lượng Chương trình mới ngay từ năm đầu tiên cấp THPT

Vân Anh | 26/08/2022, 06:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 sẽ bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới. Đến thời điểm này, các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đều đã hoàn tất công tác lựa chọn tổ hợp môn học, sẵn sàng bước vào năm học mới.

Quyết tâm dạy học chất lượng Chương trình mới ngay từ năm đầu tiên cấp THPT ảnh 1

Trường THPT Phạm Hồng Thái chuẩn bị sách lớp 10 phục vụ năm học mới

Đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh

So với chương trình hiện hành, điểm mới đáng chú ý của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là mỗi học sinh đều phải học một số môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Bên cạnh đó, học sinh được tự chọn một số môn học, chia thành các nhóm môn cơ bản: Nhóm môn khoa học xã hội, nhóm môn khoa học tự nhiên, nhóm môn công nghệ và nghệ thuật. Riêng môn lịch sử sẽ bao gồm nội dung bắt buộc với tất cả học sinh và nội dung tự chọn, dành cho những em yêu thích môn học này.

Để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai đối với các khối lớp còn lại vào các năm học tiếp theo, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Bảo đảm an toàn trường học, hoàn thành chương trình năm học chất lượng; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng; đổi mới công tác quản lý giáo dục.

Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, các nhà trường tiếp tục rà soát, đầu tư hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, hoạt động giáo dục; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu.

Bên cạnh đó, các nhà trường cần tập trung tổ chức tốt việc bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch năm học 2022-2023; gắn nội dung bồi dưỡng thường xuyên với nội dung sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn trong trường và trong cụm trường; tiếp tục quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức dạy học trực tuyến cho giáo viên.

Ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho rằng, nhằm giải quyết hiện tượng thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần sự tham gia của nhiều sở, ban, ngành. Các trường cần chủ động đề xuất, thực hiện các giải pháp phù hợp, tháo gỡ khó khăn trước mắt, ưu tiên nguồn nhân lực hiện có để tổ chức dạy học hiệu quả.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các nhà trường xây dựng các nhóm môn học bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế, cố gắng đáp ứng ngày càng nhiều nguyện vọng của học sinh. Sở luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn với các nhà trường trong quá trình chuẩn bị, tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT Hà Nội đã chủ động ứng phó với dịch Covid-19, tổ chức dạy học linh hoạt, hoàn thành kế hoạch thời gian năm học đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 99,27%. Điểm trung bình một số môn thi được cải thiện: Môn Lịch sử tăng 1,63 điểm; môn Hóa học tăng 0,026 điểm; môn Vật lý tăng 0,083 điểm.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/quyet-tam-day-hoc-chat-luong-chuong-trinh-moi-ngay-tu-nam-dau-tien-cap-thpt-post605462.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/quyet-tam-day-hoc-chat-luong-chuong-trinh-moi-ngay-tu-nam-dau-tien-cap-thpt-post605462.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyết tâm dạy học chất lượng Chương trình mới ngay từ năm đầu tiên cấp THPT