Đối với lương tối thiểu theo giờ, đề nghị đánh giá rõ việc triển khai, áp dụng của các doanh nghiệp sau khi Chính phủ lần đầu ban hành mức lương tối thiểu theo giờ; khảo sát, thống kê các nhóm vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực thực hiện trả lương theo giờ, mức lương giờ phổ biến của các công việc trên; đánh giá thuận lợi, khó khăn và tác động của doanh nghiệp sau khi Chính phủ ban hành mức lương tối thiểu theo giờ.
Bộ LĐ-TB-XH cũng yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá việc điều chỉnh phân vùng lương tối thiểu hiện hành. Trường hợp có đề xuất điều chỉnh vùng thì Sở LĐ-TB-XH phối hợp với Liên đoàn lao động, chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức trao đổi với Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp (nếu có), các hiệp hội nghề nghiệp, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và gửi về Bộ.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương cập nhật tình hình lao động, việc làm, đơn hàng của các doanh nghiệp, cung – cầu lao động trên địa bàn trong quý 1/2023, đặc biệt là sau Tết Âm lịch; dự báo nhu cầu sử dụng lao động và tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2024 gắn với bối cảnh dự báo. Kết quả rà soát gửi về Bộ trước ngày 1/4/2023.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Mức lương tối thiểu này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các yếu tố như: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 về việc tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7/2022 thay vì 1/1 hằng năm như quy định hiện hành. Mức tăng là 6%, kéo dài đến ngày 31/12/2023. Lần đầu tiên, quy định về mức lương tối thiểu theo giờ cũng đã được ban hành.
Theo Nghị định số 38, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng. Về mức lương tối thiểu giờ, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhờ việc tăng lương tối thiểu vùng, trong năm 2022, tiền lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tăng khoảng 6,2% so với năm 2021 (7,78 triệu đồng/tháng)./.