Năm học này Trường Tiểu học Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo có hơn 800 học sinh. Theo thầy Vũ Văn Tính-Hiệu trưởng nhà trường,việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh được nhà trường quan tâm qua việc xây dựng các quy định về nền nếp đối với học sinh, mỗi đồng chí giáo viên đều làm tốt vai trò của giáo viên chủ nhiệm, gương mẫu, quan tâm đến việc xây dựng nền nếp của lớp và thực hiện nền nếp của nhà trường.
Trường luôn thực hiện lồng ghép giảng dạy đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho trò thông qua các môn học. Thực hiện đúng, đủ chương trình môn Đạo đức, bởi đây là môn học được xem là một phương tiện quan trọng để thực hiện nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, tình cảm, pháp luật cho học sinh. Mỗi giáo viên khi dạy môn Đạo đức cần xây dựng cho học sinh những chuẩn mực về hành vi đạo đức được thấm sâu, bền vững, trở thành kĩ năng sống, thói quen hàng ngày của mỗi học sinh.
Đối với các môn khác như Tiếng việt, Khoa học, Lịch sử, Địa lý.vv…đều có tri thức giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong từng bài học. Do đó, nhà trường yêu cầu giáo viên linh hoạt các phương pháp cung cấp những tri thức cho các em một cách phù hợp.
Việc tổ chức có hiệu quả các tiết hoạt động tập thể và các hoạt động ngoài giờ lên lớp luôn được quan tâm, đề cao.
Tại Trường Tiểu học Vĩnh An, giáo viên linh hoạt các phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. |
“Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho học sinh sẽ đạt hiệu quả cao khi giáo viên tổ chức tốt các tiết hoạt động tập thể và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các buổi chào cờ đầu tuần. Thông qua các hoạt động này, thầy cô tạo cơ hội cho trò được nói, được trình bày trước lớp, được trình bày ý kiến quan điểm của bản thân về môi trường xung quanh.
Từ đó, giáo viên có thể hiểu được học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp. Ngoài ra, thông qua việc tổ chức các sân chơi, các hoạt động ngoại khóa, trò được được phát triển một cách toàn diện”, thầy Tính nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc phối kết hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội được nhà trường đẩy mạnh giúp giáo dục đạo đức cho học sinh đạt hiệu quả. Bởi, theo thầy Tính, việc giáo dục đạo đức cho học sinh không còn là việc của riêng nhà trường nữa mà phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Có như vậy mới làm tốt công tác giáo dục đạo đức cho học sinh.