Rối loạn cương dương có khả năng cao gấp 5 lần ở nam giới đã mắc COVID-19

08/12/2022, 10:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các nhà nghiên cứu tại Italia cho thấy chứng rối loạn cương dương có khả năng xảy ra cao gấp 5 lần ở những người đàn ông dương tính với COVID-19.

COVID-19 có thể gây rối loạn cương dương

COVID-19 có thể gây ra nhiều hậu quả về sức khoẻ, trong đó nhiều nam giới đã gặp phải các vấn đề về sức khỏe tình dục hậu COVID-19. Những ảnh hưởng này có thể sẽ qua đi nhanh chóng, tuy nhiên những trường hợp có ảnh hưởng kéo dài.

Một số yếu tố rủi ro giống nhau tồn tại đối với cả chứng rối loạn cương dương và trường hợp nghiêm trọng của COVID-19. Các bằng chứng hiện tại cho thấy rối loạn chức năng nội mô, tổn thương trực tiếp tinh hoàn và gánh nặng tâm lý của COVID-19 là nguyên nhân có thể dẫn đến rối loạn cương dương.

Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu Italia đã đưa ra giả thuyết rằng có thể có mối liên hệ giữa COVID-19 và chứng rối loạn cương dương - tình trạng khó đạt được và duy trì sự cương cứng của dương vật để thỏa mãn một cuộc giao hợp. Họ nghi ngờ nguyên nhân là do các mạch máu bị tổn thương.

Và nghiên cứu đã xác nhận những nghi ngờ của họ, kết quả cho thấy chứng rối loạn cương dương có khả năng xảy ra cao gấp 5 lần ở những người đàn ông có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Rome Tor Vergata (Italia) đã nghiên cứu sức khỏe tình dục của nam giới ở Italia trong năm 2020. Họ xem xét liệu nam giới có xét nghiệm dương tính hay âm tính với COVID-19 hay không. Nhưng họ cũng xem xét tuổi tác, chỉ số khối cơ thể (BMI) và sức khỏe tâm lý trong thời gian phong tỏa vì đại dịch, bởi vì vấn đề cương cứng có thể bị ảnh hưởng bởi tuổi tác và béo phì, cũng như lo lắng hoặc trầm cảm. Cuối cùng, việc mắc COVID-19 có liên quan chặt chẽ đến chứng rối loạn cương dương hơn là tuổi tác, chỉ số BMI hoặc sức khỏe tâm thần kém.

Rối loạn cương dương có khả năng cao gấp 5 lần ở nam giới đã mắc COVID-19 - 1
Rối loạn cương dương có khả năng cao xảy ra ở nam giới mắc COVID-19.

Tổn thương nội mô có liên quan đến rối loạn cương dương

Giáo sư Emmanuele Jannini, chuyên về nội tiết và sinh dục học y tế, Đại học Rome (Italia) cho biết: " Những người sống sót sau COVID-19 được theo dõi với rất nhiều cuộc kiểm tra, chụp cộng hưởng từ (MRI) và các xét nghiệm nhằm đánh giá các di chứng có thể xảy ra của bệnh viêm phổi liên quan đến COVID-19, tất cả đều ít nhiều liên quan đến tổn thương nội mô."

Lớp nội mạc là lớp lót trong cùng của mạch máu - động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Nó kiểm soát lưu lượng máu bằng cách giải phóng các hợp chất làm co (hẹp) hoặc giãn (mở) mạch máu. Một trong những hợp chất đó là oxit nitric, làm giãn mạch máu. Để đạt được sự cương cứng, nội mô của các mạch máu bên trong dương vật phải sản xuất đủ oxit nitric để mở các mạch máu để máu chảy vào và lấp đầy dương vật. Nếu lớp nội mô bị tổn thương, mức độ oxit nitric có thể quá thấp để giúp tạo ra sự cương cứng.

Theo Giáo sư Emmanuele Jannini, các tế bào nội mô biểu hiện nhiều đồng yếu tố được virus SARS-CoV-2 sử dụng để xâm nhập tế bào chủ. Trong khi rối loạn chức năng cương dương có thể do mạch máu không thể mở ra, thì việc các mạch máu bị co thắt quá nhiều cũng là một vấn đề. Khi các mạch máu bị co lại quá nhiều, huyết áp sẽ tăng lên. Áp suất cao tác động lên lớp nội mô của mạch máu gây tổn thương theo thời gian và cuối cùng có thể hình thành cục máu đông. Đông máu được coi là một biến chứng nghiêm trọng của COVID-19. Dương vật là cơ quan đầu tiên bị tổn thương nội mô trên lâm sàng do kích thước của các mạch máu mang máu đến nó.

Cần đi khám nếu có vấn đề về rối loạn cương dương

Rối loạn cương dương có khả năng cao gấp 5 lần ở nam giới đã mắc COVID-19 - 2
Người bệnh cần đi khám nếu có vấn đề về rối loạn cương dương.

BS. Nguyễn Bá Hưng, bác sĩ tại một bệnh viện chuyên khoa Nam học ở Hà Nội cho biết, sinh lý của hiện tượng cương dương là quá trình bơm máu và giữ máu ở dương vật. Nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý và đời sống tình dục của nam giới.

Rối loạn cương dương có thể do nhiều nguyên nhân như: rối loạn tâm lý, rối loạn nội tiết, giảm lưu lượng máu đến dương vật, các bệnh lý thần kinh, các tác dụng phụ của một số loại thuốc…

Để điều trị hiệu quả người bệnh cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa Nam học để được đánh giá chính xác nguyên nhân, mức độ bệnh. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rối loạn cương dương có khả năng cao gấp 5 lần ở nam giới đã mắc COVID-19