Rộng cửa trúng tuyển xét tuyển bổ sung

Anh Tú | 01/10/2022, 14:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc trúng tuyển nhưng chưa đúng như nguyện vọng, các em vẫn còn cơ hội xét tuyển bổ sung.

Nhiều cơ hội phía trước

Từ ngày 1/10 cho đến tháng 12/2022, căn cứ vào tổng chỉ tiêu tuyển sinh đã đạt trong đợt 1, các trường bắt đầu xét tuyển bổ sung nếu còn thiếu. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, còn xấp xỉ 20% chỉ tiêu của các trường dành cho những thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 và em muốn thay đổi ngành học, trường dù đã trúng tuyển đợt 1 (không xác nhận nhập học).

Như vậy, cơ hội với thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 trong mùa tuyển sinh năm nay vẫn rất lớn khi có khoảng hơn 110 trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung với hàng nghìn chỉ tiêu cần tuyển.

Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, thực tế tuyển sinh năm nay cho thấy không ít thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển có sự nhầm lẫn trong đặt nguyện vọng ưu tiên (NV1). Ngoài ra, một số em để nguyện vọng ưu tiên xét tuyển vào trường tốp đầu để thử sức mình dù ngành học không yêu thích, NV2, 3 thì để ở những ngành học thuộc các trường tốp dưới.

Hệ lụy là không ít thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển NV1 của trường nào đó nhưng vẫn bỏ để tìm kiếm cơ hội ở NV2, 3 cho đúng ngành học mình yêu thích. Nhưng rồi trường đó lại không tuyển bổ sung vì đã tuyển đủ, điều đó khiến các em phải tìm kiếm cơ hội ở trường khác, bằng phương thức xét tuyển khác.

“Quy chế và Luật Giáo dục cho phép thí sinh có thể chuyển tiếp ngành học khác trong trường nếu cùng nhóm ngành và có điểm trúng tuyển cao hơn ngành muốn chuyển. Việc này giải quyết được “điểm tắc” cho sinh viên khi buộc phải theo học ngành mình không yêu thích và đam mê.

Tuy vậy, nhiều em vẫn bỏ xác nhận nhập học ở trường mình không thích và xét nguyện vọng bổ sung vào trường khác. Tuy nhiên, do chỉ tiêu còn lại ít đồng nghĩa sự cạnh tranh lớn hơn, lời khuyên cho thí sinh là xác định và tính toán thật kỹ ngưỡng điểm mình có với điểm trường thông báo xét tuyển sao cho an toàn và lựa chọn phương thức xét phù hợp để đạt khả năng trúng tuyển cao nhất” - ThS Sơn nói.

Rộng cửa trúng tuyển xét tuyển bổ sung ảnh 1

Trường Đại học Gia Định hỗ trợ thí sinh thuê nhà. Ảnh: Anh Tú

Lưu ý dành cho thí sinh

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên - ĐHQG TPHCM - cho biết: Nếu thí sinh không xác nhận nhập học trong thời hạn quy định (đợt 1) mà không có lý do chính đáng thì coi như từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận. Vì vậy, nếu vì lý do bất khả kháng, sĩ tử cần làm thủ tục để xin bảo lưu kết quả.

“Nếu thí sinh từ chối nhập học cũng nên lưu ý khi tìm kiếm các cơ hội khác, ví dụ, học chương trình liên kết hoặc đăng ký tuyển sinh bổ sung của các trường. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý, khi tham gia xét tuyển bổ sung sẽ không có nhiều cơ hội về ngành học nên thí sinh khẩn trương tìm hiểu và tham vấn chuyên gia trong trường hợp cần thiết.

Các em cần nhớ là đợt xét tuyển bổ sung này, trường chủ động xét tuyển nên thời gian, phương thức xét tuyển của từng trường sẽ không dài như đợt 1. Do đó, thí sinh phải tính toán và nghiên cứu kỹ ngưỡng điểm mình có theo các phương thức xét bổ sung mà trường công bố, sao cho đảm bảo an toàn ở mức cao nhất nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển cho mình” - TS Mai khuyến cáo.

Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh từ bỏ cơ hội trúng tuyển ở NV1 bằng cách tìm kiếm cơ hội ở NV2 để học đúng ngành mình yêu thích, ThS Nguyễn Thị Việt Tú, Phó Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM, cho rằng: Để gia tăng cơ hội trong đợt xét tuyển bổ sung sắp tới, thí sinh cần xác định tiêu chí chọn ngành, chọn trường cho phù hợp.

Cụ thể, người học cần chọn những ngành phù hợp nhất với mong muốn ban đầu. Chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, đi lại của bản thân. Chọn tổ hợp xét tuyển mà khả năng của bản thân được thể hiện tốt nhất.

“Ở đợt xét tuyển bổ sung này, tôi cho rằng thí sinh không nên quá chú trọng vào số chỉ tiêu (ít hay nhiều), điểm chuẩn ngành nghề (cao hay thấp). Đủ điểm nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung thì cứ nộp. Trong quá trình xét tuyển bổ sung cần lưu ý sắp xếp ngành nghề yêu thích ở thứ tự nguyện vọng ưu tiên cao nhất, tiếp theo mới đến các ngành nghề ít yêu thích hơn ở thứ tự nguyện vọng tiếp theo. Và tất nhiên cũng phải lựa chọn ngôi trường mà các em mong muốn vào học” - ThS Tú nói.

ThS Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TPHCM - nhìn nhận: Các trường và ngành tuyển sinh ở đợt 2 (bổ sung) năm nay nhiều hơn so với mọi năm, vì thế cơ hội cho những em chưa trúng tuyển đợt 1 hay tìm kiếm ngành học mình yêu thích ở trường khác rõ ràng lớn hơn nhiều. Thí sinh nên tìm hiểu kỹ về đặc điểm các ngành học, học phí, nơi đào tạo… để chọn lựa sao cho đúng nhất. Quan trọng hơn, các em cần tận dụng tối đa quyền đăng ký nhiều nguyện vọng trong đợt xét tuyển bổ sung này để có cơ hội trúng tuyển cao hơn.

Theo thông tin từ Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), tính đến sáng 30/9 (ngày kết thúc đợt 1 xét tuyển) đã có trên 80% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học. Các năm trước con số tối đa là 63%. Riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học. Đây là tín hiệu tích cực trong việc lọc ảo và minh bạch hóa công tác tuyển sinh giữa các trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rộng cửa trúng tuyển xét tuyển bổ sung