Theo ông, giáo viên cần chú ý những điểm nào khi dạy học theo SGK Ngữ văn 10 mới?
PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng: Khi tập huấn giáo viên dạy học theo SGK Ngữ văn 10, chúng tôi đã lưu ý nhiều điểm quan trọng, nhất là những điểm khác biệt giữa SGK Ngữ văn mới so với SGK Ngữ văn trước đây.
Xin nhấn mạnh một số điểm: Thứ nhất, SGK Ngữ văn mới được biên soạn theo mô hình SGK phát triển năng lực. Vì vậy, giáo viên cần chú ý tổ chức các hoạt động đọc, viết, nói và nghe cho học sinh. Cần từ bỏ lối dạy học “thầy đọc, trò chép”, tránh lạm dụng việc diễn giải, bình giảng, tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bỏ hẳn việc diễn giải, bình giảng của giáo viên.
Thứ hai, cần triển khai dạy học các khái niệm về văn học và tiếng Việt ở phần Tri thức ngữ văn theo đúng mục đích trang bị cho học sinh công cụ để vận dụng vào đọc, viết, nói và nghe, sau đó thông qua thực hành để củng cố kiến thức đã học; không sa vào lối dạy cung cấp kiến thức chuyên sâu, gây quá tải đối với người học.
Thứ ba, hướng dẫn học sinh thực hành đọc hiểu văn bản theo thể loại nhưng không theo hướng cực đoan coi dạy đọc hiểu chỉ dừng lại ở việc giúp các em nắm được đặc điểm thể loại.
Đọc hiểu một văn bản, nhất là tác phẩm văn học, cần chú ý đến cả những giá trị độc đáo, nét đẹp riêng biệt. Nếu không, việc dạy Ngữ văn có nguy cơ biến tác phẩm văn học thành các mô hình, các bộ khung khô cứng; chất văn của tiết dạy học môn Ngữ văn sẽ bị mờ nhạt.
Cần lưu ý, dạy học Ngữ văn là giúp học sinh tiếp cận, khám phá giá trị của các sản phẩm ngôn từ. Vì vậy, việc sử dụng phương tiện công nghệ và triển khai những hoạt động hỗ trợ vốn là đặc trưng của các môn học khác như âm nhạc, mĩ thuật… cần phải được tiết chế.
Thứ tư, giáo viên cần nắm được ý tưởng thiết kế phần thực hành viết của bộ sách để triển khai cho hiệu quả. Ví như SGK Ngữ văn trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thiết kế hệ thống yêu cầu của kiểu bài rất khoa học, phát triển logic từ lớp 6 đến lớp 12.
Các yêu cầu này không chỉ giúp học sinh phân biệt được các kiểu bài với nhau mà còn để các em hình dung cùng một kiểu bài nhưng có sự khác biệt như thế nào qua các lớp. Sách cũng chủ trương học sinh cần được thực hành viết dựa trên việc phân tích “mẫu”, tức bài viết tham khảo. Nó khác về bản chất với tình trạng cho học sinh chép “văn mẫu” khi làm bài – cách dạy học đang bị dư luận phản đối và Bộ GD&ĐT chủ trương loại bỏ một cách quyết liệt. Với hoạt động nói và nghe, chỉ nên dành thời gian hướng dẫn trong giai đoạn đầu. Khi học sinh đã làm quen với quy trình thực hành nói và nghe qua các bước, giáo viên cần dành nhiều thời gian cho các em thực hành.
Thứ năm, như đã nói ở trên, SGK biên soạn theo hướng mở, tùy theo điều kiện dạy học và khả năng học của học sinh mà giáo viên triển khai nội dung các bài học cho phù hợp. Chẳng hạn, mỗi bài của SGK Ngữ văn 10 thường có 3 văn bản nhưng giáo viên không nhất thiết phải dạy hết mà có thể chọn văn bản cuối của một số bài để hướng dẫn học sinh tự học.
Mỗi kiểu bài viết có trong chương trình trên nguyên tắc, học sinh chỉ cần thực hành viết một bài nhưng SGK có thể thiết kế 2 – 3 bài viết. Nếu cần “giảm tải”, giáo viên có thể chỉ cần cho học sinh viết một bài để vừa đủ đáp ứng yêu cầu của chương trình, dành thời gian cho những hoạt động khác.
Xin cảm ơn ông!
SGK Ngữ văn 11 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, kế thừa quan điểm biên soạn sách, mô hình bài học, cách sắp xếp trật tự bài học... từ SGK Ngữ văn 10. Tuy nhiên, bộ sách cũng có nhiều điểm khác biệt. Chẳng hạn, cùng dạy học về truyện và thơ như ở Ngữ văn 10, nhưng với truyện, Ngữ văn 11 tập trung vào câu chuyện và điểm nhìn. Với thơ, sách nhấn mạnh nhiều hơn đến cấu tứ và hình ảnh. Ngữ văn 11 cũng có một số nội dung mới về thể loại văn bản đọc (truyện thơ dân gian, truyện thơ Nôm, kí, bi kịch…), kiểu bài viết ( văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật, văn bản thuyết minh…), kiểu hoạt động nói và nghe (tranh biện)… Nói chung, bộ sách được triển khai nhất quán qua các lớp từ THCS đến THPT, đồng thời có những nội dung phát triển, nâng cao một cách hợp lí, phù hợp với yêu cầu của chương trình và khả năng tiếp nhận của học sinh.