Sản phẩm nghiên cứu… tự tin bước ra thị trường

Anh Tú | 16/02/2023, 06:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc cho phép các trường đại học được thành lập doanh nghiệp KH&CN mở ra nhiều kỳ vọng trong chuyển giao công nghệ...

Trong số doanh nghiệp thuộc trường đại học, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp của Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM và ĐH Bách khoa Hà Nội có doanh thu hoạt động chuyển giao cán mốc 100 tỷ đồng.

Được đánh giá hoạt động hiệu quả nhất trong lĩnh vực chuyển giao thành tựu KH&CN, sáng chế của các giảng viên, Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM trong giai đoạn 2012 - 2021 đã thực hiện 5.594 hợp đồng, doanh thu chuyển giao công nghệ (thông qua Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách khoa TPHCM) đạt bình quân 80 tỷ đồng/năm. Từ năm 2018 bắt đầu tăng trưởng mạnh khi chạm ngưỡng 70 - 80 tỷ đồng/năm. Từ năm 2018 tới nay, hoạt động chuyển giao công nghệ của đơn vị luôn dẫn đầu cả nước, với khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Tương tự, ĐH Bách khoa Hà Nội có hoạt động doanh thu chuyển giao KH&CN ấn tượng (thông qua Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội) với 262 tỷ đồng năm 2021. Trước đó, năm 2020 là 180 tỷ đồng. Doanh thu trong năm 2022 tạm tính trên 210 tỷ đồng.

Là đơn vị đi trước, vấp phải khó khăn trong hoạt động chuyển giao, kém hiệu quả về kinh tế trong giai đoạn đầu, Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2020 tới nay đã xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Chuyển giao công nghệ (BK TTO) để hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này (hiện đề án đã hoàn thành). Song song đó, ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa (BK - Fund). Quỹ này đồng hành với nhà nghiên cứu ngay từ giai đoạn ban đầu để hỗ trợ khi cần.

“Tính đến cuối năm 2021, các nhà đầu tư đã nâng quy mô quỹ lên 35 tỷ đồng (năm 2020 khởi động ở mức 17 tỷ đồng) và dự kiến đầu tư cho các dự án từ 1 đến 3 tỷ đồng. BK - Fund đã quyết định đầu tư 5 startups (trong đó đã giải ngân 3/5 dự án). Bên cạnh đó, BK - Fund đồng tổ chức chương trình ươm tạo Lab2market, đang thực hiện ươm tạo 12 nhóm nghiên cứu và doanh nghiệp KH&CN. Nhờ những thay đổi trên, doanh thu từ hoạt động KH&CN của đơn vị đạt 262 tỷ đồng”, báo cáo của đơn vị nêu.

Theo đại diện Ban Giám hiệu Đại học Bách khoa Hà Nội, BK TTO sẽ hoạt động khác với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK - Holdings) khi được thừa ủy quyền của ban giám hiệu để thực hiện việc quản lý khai thác tài sản trí tuệ, từ hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đến ký kết hợp đồng chuyển giao. Ưu điểm của mô hình này là hỗ trợ từ đầu đến cuối, thuận tiện hơn cho nhà nghiên cứu. Do đó với quy định mới từ Nghị định 109 của Chính phủ, hoạt động chuyển giao hứa hẹn con số ấn tượng hơn.

Sản phẩm nghiên cứu… tự tin bước ra thị trường ảnh 3

Thống kê công bố khoa học và doanh thu từ hoạt động KHCN của Đại học Bách khoa Hà Nội trong 7 năm. Ảnh: ITN

Vướng mắc được tháo gỡ, doanh thu sẽ nhảy vọt?

Hạn chế của hoạt động chuyển giao thành tựu KH&CN phần lớn được trường nhận thấy. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chung quy ngoài việc trường công lập chưa chuyển hoàn toàn sang cơ chế tự chủ tài chính toàn diện thì vấn đề thay đổi trong quản trị, định hướng nghiên cứu và chuyển giao cũng là rào cản.

Trong nhiều vướng mắc khiến hoạt động chuyển giao thành tựu KH&CN không hiệu quả thời gian qua, PGS.TS Hoàng Đức Lương, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật (ĐH Huế) cho rằng, các trường vẫn chú trọng sản phẩm khoa học là bài báo thay vì thúc đẩy, khuyến khích nghiên cứu sản phẩm khoa học (sáng chế và giải pháp hữu ích) ứng dụng vào thực tiễn.

“Giảng viên vẫn phải chịu áp lực về giờ dạy theo quy định; vướng mắc bởi các quy định của luật trong công nhận, chuyển giao đề tài nghiên cứu từ trường đại học ra ngoài, cho đến việc các sản phẩm nghiên cứu có bản quyền… cũng khiến hoạt động chuyển giao chưa phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, Nghị định 109 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/3, ngoài việc tháo gỡ những vướng mắc trên còn cho phép cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp KH&CN sẽ giúp đơn vị chủ động hơn trong nhận đặt hàng, đặt hàng và chuyển giao thành tựu nghiên cứu ra ngoài xã hội. Doanh thu chuyển giao vì thế chắc chắn sẽ tăng theo”, PGS.TS Hoàng Đức Lương nói.

Phát triển doanh nghiệp trong trường đại học vừa là yêu cầu về phương thức, nhưng cũng là mục tiêu của sự thay đổi về tổ chức, quản lý và điều hành nhà trường theo hướng phù hợp với giáo dục đại học 4.0. Khẳng định vai trò doanh nghiệp KH&CN trong cơ sở giáo dục đại học, PGS.TS Đinh Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) đồng thời nhấn mạnh:

Về mặt tổ chức, các trường cần chuyển hướng dần sang tự chủ trong tổ chức và hoạt động; gỡ bỏ các rào cản, chủ động tìm kiếm nguồn lực, mở rộng hoạt động đầu tư, liên danh, liên kết về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển doanh nghiệp. Về mặt điều hành, người đứng đầu nhà trường cần có phong cách lãnh đạo kiểu “doanh nghiệp”, khuyến khích ý tưởng mới, đổi mới sáng tạo trong tư duy, dám mạo hiểm…

“Thực tế, nhiều trường đại học không quản lý, thống kê được số lượng hoạt động thương mại hóa công nghệ, bởi một số nhà khoa học giữ quyền tác giả, quyền bảo hộ, tự chuyển giao kết quả nghiên cứu mà không xin phép. Chưa kể, đa số đề tài được nghiên cứu thành công ở quy mô phòng thí nghiệm, nhưng để chuyển giao vào thực tiễn cần phải ươm tạo ở quy mô công nghiệp và đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài mới có thể ứng dụng, khai thác thương mại được.

Trong khi nhu cầu doanh nghiệp cần sớm có công nghệ, điều đó tạo ra những khoảng trống giữa cung và cầu. Bởi vậy, chỉ khi các trường xây dựng được quỹ hỗ trợ khoa học, có giải pháp bao trọn gói cho một dự án nghiên cứu mới khắc phục được hạn chế trên, hoạt động chuyển giao mới tốt được”, PGS.TS Đinh Văn Toàn nhấn mạnh.

Khó khăn lớn nhất mà các trường đại học vướng phải trong việc thành lập doanh nghiệp trước khi Nghị định 109 của Chính phủ có hiệu lực là sử dụng tài sản công và nguồn vốn thành lập doanh nghiệp. Vì vậy, theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nếu Nghị định 109 cùng các văn bản dưới luật quy định (hướng dẫn) cụ thể về việc doanh nghiệp trong trường đại học được khai thác cơ sở vật chất, mặt bằng cũng như trang thiết bị là tài sản công sẽ giúp các trường thúc đẩy hoạt động tiếp sức, làm cầu nối chuyển giao thành tựu nghiên cứu của giảng viên ra ngoài thị trường. Giá trị chuyển giao vì thế tất yếu sẽ tăng thêm.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/san-pham-nghien-cuu-tu-tin-buoc-ra-thi-truong-post626035.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/san-pham-nghien-cuu-tu-tin-buoc-ra-thi-truong-post626035.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản phẩm nghiên cứu… tự tin bước ra thị trường