Sẵn sàng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

22/04/2024, 16:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việt Nam có nhiều lợi thế để đào tạo nguồn nhân lực và có thể nắm bắt cơ hội cung cấp nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Ngày 22/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành về Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn dự buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đề án có tầm quan trọng rất lớn, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và sự hiểu biết thấu đáo về mối quan hệ chặt chẽ giữa công nghiệp điện tử và công nghiệp bán dẫn, yêu cầu của nguồn nhân lực, các khâu thiết kế, chế tạo, sử dụng các sản phẩm vi mạch, bán dẫn.

Do đó, cần xác định chiến lược xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, trong chiến lược phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp điện tử. Từ đó đặt hàng nhiệm vụ đào tạo nhân lực xu thế, dự báo chính xác thị trường. Cần lựa chọn khâu, công đoạn để tập trung làm chủ trong chuỗi giá trị sản phẩm bán dẫn.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, thị trường chip bán dẫn của thế giới có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm liên tục trong 20 năm vừa qua, dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Từ nay đến năm 2030, thế giới cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Ước tính đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.

Một số nhóm giải pháp đáng chú ý được Đề án đặt ra là đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên; mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan lên khoảng 200 cơ sở; đầu tư 4 trung tâm bán dẫn dùng chung, 20 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn.

Từ kinh nghiệm triển khai công tác đào tạo vi mạch, bán dẫn đang triển khai, GS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM cho rằng, muốn phát triển nhanh thì phải có cơ chế đột phá về đào tạo giảng viên, dùng chung cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và các phòng thí nghiệm liên quan, thu hút các chuyên gia nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá, với điều kiện hiện nay, hai khâu trong ngành công nghiệp bán dẫn mà Việt Nam có lợi thế là thiết kế, đóng gói, kiểm thử chip và các trường đang rất cần dự báo chính xác về nhu cầu nhân lực vi mạch bán dẫn để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo hiệu quả.

Nhu cầu 50.000 người có trình độ đại học trở lên để phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn là bài toán không dễ, vì vậy cần quyết tâm để đạt được mục tiêu này. "Cơ chế chính sách phải xây dựng rất nhanh, nguồn lực sẵn sàng để khi Đề án được phê duyệt thì triển khai được ngay", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp này.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần có sự kết hợp giữa chương trình đào tạo chuyển đổi, cung cấp kiến thức cơ bản về ngành vi mạch, bán dẫn đến chương trình đào tạo chuyên sâu, nhân tài; trong đó phải chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình, phương thức giảng dạy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẵn sàng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn