Cho đến thời điểm này, Trường THPT Lục Nam (huyện Lục Nam, Bắc Giang) chưa ghi nhận trường hợp nào muốn đổi nguyện vọng môn học lựa chọn. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Phương Lan cho hay, học sinh đang tập trung chuẩn bị cho thi học kỳ I. Thường phải sau khi thi kết thúc học kỳ, học sinh mới đặt vấn đề đổi nguyện vọng, nên nhà trường cũng có những dự kiến để chuẩn bị cho tình huống này.
“Học sinh chuyển nguyện vọng phải đạt yêu cầu về kiến thức. Trường hợp có em muốn chuyển, nhà trường sẵn sàng kế hoạch để bảo đảm quyền lợi của học sinh. Kế hoạch này tất nhiên sẽ gửi báo cáo sở GD&ĐT trước khi triển khai”, cô Nguyễn Phương Lan cho hay.
Chia sẻ phương án, theo cô Nguyễn Phương Lan, nhà trường sẽ hướng dẫn học sinh học bù lại kiến thức môn học các em muốn chuyển, có thể kết hợp cả online, trực tiếp. Sau đó, học sinh làm bài kiểm tra. Nếu đạt, các em sẽ được chuyển nguyện vọng.
“Thường các môn lựa chọn có khoảng 34 tiết/học kỳ, nếu trừ kiểm tra còn khoảng 30 tiết. Việc học kiến thức trọng tâm, cơ bản buộc phải học trực tiếp mới hiệu quả. Do đó, tôi cho rằng cần linh động bố trí các tiết dạy trực tiếp, kết hợp dạy online để có thể hoàn thành khối lượng kiến thức cần bù đắp trong khoảng 3 - 4 tuần học. Trường hợp chỉ có 1 học sinh muốn chuyển, nhà trường cũng phải lên kế hoạch, bố trí phù hợp để bảo đảm quyền lợi của học trò” - chia sẻ điều này, nhưng cô Nguyễn Phương Lan cũng băn khoăn.
Theo cô Lan việc bố trí giáo viên khá khó khăn. Thường học sinh sẽ chuyển nhiều từ môn lựa chọn thuộc khối Khoa học tự nhiên sang môn Khoa học xã hội. Trong khi đó, tại Trường THPT Lục Nam, số lượng học sinh chọn môn Khoa học xã hội nhiều, giáo viên dạy các môn này lại được bố trí dạy Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương nên khó thu xếp dạy bù đắp kiến thức cho học sinh. “Khó nhất là kinh phí bồi dưỡng như thế nào cho thỏa đáng, hơp lý. Nội dung này, tôi cho rằng cần có hướng dẫn của cấp trên, nếu không mỗi trường làm một kiểu sẽ rất khó”, cô Nguyễn Phương Lan cho hay.
Tương tự, Trường THPT Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) cũng chưa có trường hợp nào muốn chuyển đổi môn học. Tuy nhiên, tình huống có học sinh muốn đổi nguyện vọng đã được nhà trường tính đến. Cách làm dự kiến, theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng là yêu cầu học sinh tự học và phân công giáo viên dạy phụ đạo, bổ sung kiến thức. Sau đó tiến hành kiểm tra, nếu học sinh đạt kết quả thì mới giải quyết.
“Việc này tôi nghĩ không có gì khó khăn. Trên cơ sở học sinh tự học, giáo viên sẽ bổ sung những kiến thức cơ bản và giúp các em nội dung chưa hiểu. Thời gian giáo viên hỗ trợ trực tiếp học sinh ít nhất bằng 50% số giờ của môn học lựa chọn và chuyên đề học tập. Nhà trường cũng sẽ có phương án tính chế độ bồi dưỡng cho giáo viên. Nguồn kinh phí từ chi thường xuyên hoặc học phí. Thực tế, nếu học sinh có nhu cầu chuyển nguyện vọng thì cũng chỉ hết kỳ I năm lớp 10, nên số giờ chi trả cho giáo viên không nhiều”, thầy Nguyễn Văn Hùng khẳng định.
Tại An Giang, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Cho đến thời điểm này, Sở chưa nhận được báo cáo nào của các trường liên quan đến việc học sinh chuyển nguyện vọng môn học lựa chọn. Vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn tại Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH: “Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo sở GD&ĐT”. “Sở GD&ĐT thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các nhà trường giải quyết theo từng trường hợp cụ thể”, ông Trần Tuấn Khanh cho hay.