Với kết cấu này, sợi chuối sẽ được tuốt sạch hơn, bộ dao có độ ổn định, cân bằng tốt nên cũng bền hơn. Lưỡi dao có dạng chữ U có thể dễ dàng được thay thế khi cần”, anh Dũng nói.
Trung bình mỗi giờ, máy tách được khoảng 5 - 6kg sợi chuối. Một ưu điểm khác của thiết bị này là có cấu tạo đơn giản, chiếm diện tích nhỏ nên có thể vận hành trực tiếp ngay tại vườn chuối, giảm chi phí vận chuyển thân chuối.
Máy tách sợi chuối. |
Với cơ chế vận hành đơn giản, hiệu quả cao, giá thành lại rẻ hơn gần một nửa so với các máy tương tự nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ chiếc máy tuốt sợi chuối do anh Dũng chế tạo đã được nhiều nơi đón nhận.
Hiện nay các xưởng tuốt sợi chuối ở Gia Lâm, Mê Linh, Khai Thái (Hà Nội), Nam Định, Sơn La,... đều sử dụng thiết bị này. Những máy tuốt sợi đầu tiên của Musa Pacta được ứng dụng ở hợp tác xã Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) – hợp tác xã đầu tiên về sản xuất sợi chuối ở Việt Nam.
Từ nguồn sợi chuối thu được, dưới bàn tay của những người thợ khéo léo ở Musa Pacta, hàng loạt sản phẩm bàn ghế, giấy, túi xách,... làm từ sợi chuối đã ra đời. Hầu hết các sản phẩm đang được phân phối qua các công ty thương mại để xuất khẩu.
“Về định hướng lâu dài, chúng tôi sẽ nghiên cứu tạo ra những giống chuối đa nhiệm, chẳng hạn giống vừa lấy quả vừa lấy sợi, hoặc giống cho sợi nhiều hơn, chất lượng sợi tốt hơn”, anh Dũng chia sẻ.
Dù kỳ vọng sợi chuối Việt Nam có thể cạnh tranh với sản phẩm tương tự của Ấn Độ và Philippines, nhưng anh Bùi Khánh Dũng cho hay, hiện mọi việc mới đang ở thời điểm bắt đầu.
“Khi bắt tay vào sản xuất, có những đối tác từ Singapore hay Dubai khi liên lạc với chúng tôi thì một trong những câu hỏi của họ là có đúng Việt Nam sản xuất hay không? Chúng tôi phải khẳng định, đây là sợi chuối của Việt Nam và do chúng tôi sản xuất”, anh Dũng nói.
Thiết bị tách sợi chuối của anh Bùi Khánh Dũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích vào tháng 4/2022.