Sáng chế máy ép dầu từ hạt chanh leo

28/06/2023, 07:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

TS Lê Xuân Tiến và cộng sự đã xác định được quy trình ép thủy lực hiệu quả, để chiết xuất dầu từ hạt cây chanh leo quả tím.

TS Lê Xuân Tiến, Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách khoa TPHCM và cộng sự đã xác định được quy trình ép thủy lực hiệu quả để chiết xuất dầu từ hạt cây chanh leo quả tím.

Ứng dụng trong mỹ phẩm làm đẹp

TS Lê Xuân Tiến cho biết, cây chanh leo quả tím (Passiflora) có hàm lượng cao các loại vitamin, chất xơ, các hợp chất phenol, δ- và γ-tocopherols, các acid béo có lợi cho sức khỏe với nhiều đặc tính sinh học. Dầu hạt chanh leo rất giàu chất chống oxy hóa bảo vệ cho da như lycopene - một hợp chất chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời, ô nhiễm, bụi bẩn và các tác nhân gây căng thẳng khác trong môi trường.

Lycopene hoạt động với hàm lượng vitamin C tự nhiên của hạt chanh leo để làm đều màu da và thúc đẩy sản xuất collagen cho làn da săn chắc, sáng, mịn màng và ít nếp nhăn hơn.

Dầu hạt chanh leo là nguyên liệu thường được sử dụng rộng rãi cho các sản phẩm chăm sóc da như: Kem dưỡng, kem tẩy tế bào chết, mặt nạ, serum, sữa rửa mặt, sữa tắm… Tuy nhiên, việc giữ được hàm lượng các chất có nhiều giá trị này lại phụ thuộc vào quá trình ép và công nghệ ép.

Giữa rất nhiều công nghệ hiện có, các nhà nghiên cứu đã chọn công nghệ ép thủy lực, vốn được áp dụng rộng rãi ở các quốc gia đang phát triển vì khả năng triển khai ở quy mô công nghiệp và cho năng suất cao, không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Nhóm đã tìm ra được quy trình ép thủy lực với áp lực180 kg/cm2 trong vòng 25 phút trên hạt không nghiền và được làm khô có thể cho năng suất dầu cao (107,8 ml/kg hạt).

Máy ép thủy lực sử dụng nguyên lý thủy lực để ép các vật liệu, đặc biệt là trong quá trình sản xuất thực phẩm, ép dầu, hạt đậu nành, đậu phộng… Công dụng chính của máy ép thủy lực là ép nén các vật liệu để lấy ra các loại dầu, nước hoặc bột.

Máy ép thủy lực được ứng dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau, từ sản xuất thực phẩm cho đến sản xuất dầu mỡ, đồng thời cũng được sử dụng trong các ứng dụng khác như trong ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng.

Hạt chanh leo thường được các cơ sở chế biến thải loại. Hạt được thu mua, làm sạch, sấy khô sau đó đưa vào máy để nghiền vắt tách dầu. Lực nén của máy lớn giúp vắt lấy hầu hết tinh dầu có trong hạt.

Nhóm sử dụng công nghệ ép thủy lực vì cho rằng đây là phương pháp ít tác động nhất đến thành phần dầu thành phẩm, không làm thay đổi cấu trúc cũng như không làm mất đi thành phần dưỡng chất quý.

Dùng làm dầu ăn chống oxy hóa

TS Lê Xuân Tiến cho biết, dầu chiết xuất từ hạt chanh dây sở hữu các đặc tính hóa lý phù hợp cho dầu ăn và thể hiện hoạt tính chống oxy hóa tương đối cao. Ngoài ra các kết quả thu được này cho thấy ứng dụng đầy hứa hẹn của dầu hạt P. edulis trong ngành dược phẩm.

Chanh leo hay còn gọi là chanh dây, mắc mát, mác mác… có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, các nước châu Mỹ du nhập vào Việt Nam. Với hương vị chua chua ngọt ngọt khá đặc trưng cùng mùi hương thơm mát, chanh dây còn có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, điển hình là giải nhiệt, giảm cân, bổ sung vitamin A, C và một số khoáng chất cần thiết.

Chính vì có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nên chanh dây được nhiều bà con lựa chọn trồng để kinh doanh hoặc cung cấp cho gia đình. Việc hoàn thiện quy trình chiết xuất dầu hạt chanh leo sẽ giúp gia tăng giá trị kinh tế cho loại cây trồng này.

Hiện nhóm nghiên cứu đã làm chủ quy trình điều chế, sản xuất dầu từ hạt chanh leo bằng công nghệ ép thủy lực. Công nghệ có thể ứng dụng ở hầu hết các vùng trồng chanh leo trên cả nước, tạo ra nguồn dầu chất lượng cao sử dụng cho mỹ phẩm và thực phẩm. Nhóm sẵn sàng liên kết với các đơn vị có nhu cầu để ứng dụng công nghệ, đưa ra thị trường sản phẩm dầu hạt chanh leo giàu dưỡng chất.

TS Lê Xuân Tiến cho biết, Việt Nam là nước nhiệt đới, có nhiều loại dược liệu quý, tiềm năng xuất khẩu cao. Tuy nhiên để có thể cạnh tranh với dược liệu của các quốc gia khác, chúng ta cần có sự đầu tư bài bản để sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc nghiên cứu một cách hoàn chỉnh từ công nghệ tới đăng ký tiêu chuẩn quốc tế và công bố lưu hành sản phẩm như dầu chanh leo sẽ giúp các dược liệu của Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế hơn.

Qua đó, góp phần mang lại giá kinh tế lớn cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị của sản phẩm (nông dân, thương lái thu mua, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất và thương mại hóa sản phẩm).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng chế máy ép dầu từ hạt chanh leo