Sáng danh người thầy

19/11/2022, 17:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gần 50 năm nghiên cứu và giảng dạy, GS.TS Trần Nho Thìn chuyên tâm nghiên cứu và vận dụng những lý thuyết mới vào nghiên cứu phê bình văn học.

Mỗi thầy cô đem lại cho chúng tôi một ấn tượng khi là sự uyên thâm, túc Nho của NGND.PGS Bùi Duy Tân, khi nhẹ nhàng mà hóm hỉnh của NGND.GS Hà Minh Đức (nguyên Viện trưởng Viện Văn học), khi cổ điển mà hiện đại như PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), khi đạo mạo, đĩnh đạc như GS.TS Trần Nho Thìn…

Thế nhưng hồi đó chúng tôi còn rất e dè chưa dám gần gũi, tiếp xúc nhiều với các thầy. Thế rồi cơ duyên sau gần 20 năm nhân dịp học cao học, tôi may mắn được GS.TS Trần Nho Thìn hướng dẫn.

Tận tâm, trách nhiệm

Sáng danh người thầy ảnh 1

GS.TS Trần Nho Thìn.

Ngay từ những ngày còn học phổ thông tôi đã được nghe cụm từ “Văn Tổng hợp” (tức khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng Hợp) như là một điều gì đó rất thiêng liêng và sang trọng. Thế rồi cuối những thập niên 90, sau khi tốt nghiệp phổ thông tôi cũng thi đỗ vào đúng khoa đó nhưng lúc này trường và khoa đã được đổi tên thành khoa Văn học - Trường Đại học KHXH và Nhân văn - trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lớp sinh viên chúng tôi phần đông từ các tỉnh lẻ ra, điều kiện sinh hoạt và học tập còn nhiều khó khăn nhưng rất chăm chỉ và háo hức đón chờ các giờ lên lớp của các thầy cô nơi căn nhà cấp bốn cạnh sân vận động khu tập thể Mễ Trì và các giảng đường sang hơn ở 336 - Nguyễn Trãi, Thanh Xuân. Từ nơi đấy chúng tôi đã được các thầy cô bồi dưỡng thêm niềm yêu mến Văn học cũng như hình thành những ý niệm về nghiên cứu phê bình Văn học của mình.

Sau khi kết thúc các chuyên đề học tập cao học, lớp chúng tôi họp bàn đến chuyện làm luận văn, với các GS thường yêu cầu rất cao nên mọi người thường tìm chọn thầy cô yêu cầu nhẹ hơn, đề tài đỡ “xương xẩu” hơn miễn là được đánh giá để hoàn thành chương trình cao học.

Tôi và một bạn nữa được “ưu tiên” nhờ GS.TS Trần Nho Thìn hướng dẫn. Do lịch làm việc của thầy khá bận nên hẹn mãi chúng tôi mới gặp được thầy để xin đề tài, chúng tôi phải qua mấy chặng xe từ Ninh Bình ra Hà Nội, nhà thầy ở một khu chung cư tại Cầu Giấy.

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào căn hộ trên tầng 11 của thầy là sự giản dị, phòng khách vừa có thể kết hợp làm việc, ăn uống, bộ bàn ghế đơn giản, không bày biện lỉnh kỉnh, rườm rà mà chỉ thấy sách xếp chồng cao, chồng thấp, khắp mọi chỗ và còn hẳn kho sách phía trong.

Những quyển đang dùng đến thầy ưu tiên để trên bàn làm việc, có chỗ đánh dấu đọc dở, trích dẫn khi cần, những tệp bản thảo, những luận văn, luận án đang đọc sửa kèm bút dấu cẩn thận cho học viên chỉnh sửa.

Sau này tôi luôn lấy sự giản dị ấy để học tập phần nào, nhất là khi điều kiện kinh tế khá hơn nhiều nhà trưng bày các tủ rượu, tủ đồ cổ, các phương tiện nghe nhìn hiện đại mà không hề thấy một cuốn sách nào.

Nghe chúng tôi trình bày, thầy với tay lấy ngay cuốn kỷ yếu hội thảo nhân kỷ niệm 250 năm năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du để về đọc và tìm sự đổi mới trong nghiên cứu, phê bình Nguyễn Du và Truyện Kiều những năm sau đổi mới, còn bạn Việt làm cùng thì so sánh với việc nghiên cứu, phê bình Nguyễn Du và Truyện Kiều ở miền Nam 1954 - 1975.

Thú thực sau khi tốt nghiệp Đại học rồi về dạy học ở trường phổ thông, chúng tôi bị công việc cuốn đi với những vấn đề của chương trình phổ thông mà ít quan tâm đến nghiên cứu, phê bình. Cầm cuốn kỷ yếu gần ngàn trang, khổ sách to, nặng trịch trên tay mà chúng tôi không khỏi hoang mang.

Biết viết gì đây khi thầy chỉ gợi ý qua mẫy chỗ, thế rồi chúng tôi mất cả vài tháng trời đọc và tìm tài liệu, những trang viết đầu tiên gửi mail cho thầy được góp ý là chưa có gì mới cần đọc thêm và nghiên cứu tiếp.

Thế rồi mấy tháng trời trôi qua, thầy lại bận ít có thời gian trao đổi, ngày nộp luận văn càng đến gần tôi không khỏi lo lắng. Nhưng nhờ sự nỗ lực của bản thân, sự định hướng khoa học của thầy tôi cũng hoàn thành bản thảo để kịp bảo vệ.

Khi tôi đưa bản luận văn đến nộp cho các thầy cô trong hội đồng chấm (PGS.TS Phạm Thị Phương Thái - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội, Chủ tịch hội đồng; PGS.TS Vũ Thanh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, Phản biện 1; TS nhà phê bình Cao Thị Hồng, Phản biện 2).

Các thầy trong Hội đồng đều cho đề tài quá sức, đáng nhẽ ở học vị cao hơn và đều đánh giá rất cao. Tôi được Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn trao thưởng cho học viên xuất sắc của khóa, sau khi bảo vệ mọi người khuyên tôi đi học tiếp. Hoàn thành bảo vệ luận văn tôi cảm thấy mình được mở mang hơn rất nhiều về học thuật và những bài viết của tôi trên các báo, tạp chí ở Trung ương cũng được đánh giá cao, có hàm lượng khoa học.

Tôi nhớ có lần đến xin xác nhận chữ kí của thầy, thời gian đã về chiều muộn thầy bảo chúng tôi đi xe buýt sang trường, còn thầy gọi điện nhờ bộ phận hành chính nán lại đóng dầu và lấy xe máy đi cho cơ động. Khi chúng tôi sang tới trường thầy đã xin đầy đủ dấu để chúng tôi kịp ra bến về chuyến xe cuối ngày, hôm sau còn đi làm bình thường.

Không ngừng cống hiến

Sáng danh người thầy ảnh 2

Một tác phẩm của GS.TS Trần Nho Thìn.

Ấn tượng thứ hai về thầy là sự làm việc không hề biết mệt mỏi, thầy sinh năm 1952, đáng nhẽ được về hưu đã lâu nhưng do yêu cầu công việc của khoa thầy vẫn tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu. Ở tuổi gần 70 nhưng sức làm việc của thầy thật phi thường vừa mới thấy thầy tham dự hội thảo khoa học ở miền Trung, hôm sau thầy đã có mặt ở một trường đại học của TPHCM, rồi Cần Thơ, khi Đại học Thái Nguyên…

Rồi thầy tham gia bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông các tỉnh thành, dạy cho học sinh chuyên các tỉnh, tham gia các hội đồng khoa học, bảo vệ luận án, luận văn, hội thảo ở các viện, các trường, các nhà xuất bản… Lúc nào trên bàn làm việc thầy cũng có cuốn sổ ghi chép lịch cho cả tháng cùng một tờ lịch tháng to để đánh dấu mốc việc. Thế nhưng chưa khi nào thầy kêu ca, phàn nàn, các bài cần đọc sửa thầy luôn đúng lịch.

Điều thứ ba đáng khâm phục ở thầy là uy tín khoa học. Gần 50 năm nghiên cứu và giảng dạy, thầy chuyên tâm nghiên cứu và vận dụng những lý thuyết mới vào nghiên cứu phê bình văn học.

Những bài báo khoa học, những cuốn sách của thầy cứ đầy dần theo năm tháng và được giới khoa học đánh giá rất cao như Từ điển văn học, 2 tập (viết chung), NXB Khoa học Xã hội, 1983; về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam (viết chung), NXB Giáo dục, 1997, 2010; Hгуен Зу и конфуцианская концепция личности (Nguyễn Du và quan niệm của nho giáo về nhân cách), Nxb Khoa học, Nauka, M., 1989; Nguyễn Công Trứ – về tác gia, tác phẩm (tuyển và viết giới thiệu), Nxb Giáo dục, 2003; Truyện Kiều (khảo-chú-bình) (viết chung), Nxb Giáo dục, 2007. Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, NXB Giáo dục, 2003, 2008, 2009…

Ngoài ra còn hàng trăm bài báo khoa học, hàng chục công trình dịch thuật, chủ trì hàng chục đề tài các cấp, hướng dẫn thành công nhiều luận án tiến sĩ, hàng trăm luận văn thạc sĩ.

Ngay từ khi còn là NCS tại Viện Đông phương học, Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô cuối những năm 80 của thế kỷ trước cho đến sau này thầy luôn chuyên tâm với hướng nghiên cứu chính: Văn học trung đại Việt Nam, các vấn đề lý luận và lịch sử; Tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu văn học; Lý luận văn hóa. Cùng với đó là trình độ ngoại ngữ đáng nể, thầy có thể nói, đọc, viết thành thạo tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung.

Điều này giúp thầy đọc được nhiều tài liệu nước ngoài bằng bản gốc cũng như chỉ ra nhiều thiếu sót trong quá trình dịch các lý thuyết tiếp nhận nước ngoài. Năm 1989, thầy bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Liên Xô, rồi lại trở về Khoa Ngữ văn cho đến tận bây giờ, năm 2016 thầy được phong học hàm Giáo sư cùng nhiều giải thưởng cao quý.

Mỗi công trình của GS.TS Trần Nho Thìn đều mang tính khai mở cũng như định hướng tiếp cận văn học dưới góc độ lý thuyết khoa học với những kiến giải, lập luận chặt chẽ, xác đáng. Đó đều là những cẩm nang quý với người nghiên cứu và giảng dạy Văn học.

Nhận xét về cuốn sách Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, nhà nghiên cứu La Sơn cho rằng: “Công trình tập hợp Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa chính là sự tổng kết một chặng đường nghiên cứu công phu và nghiêm túc của ông về nền văn học truyền thống dân tộc.

Trong khoảng hơn mười năm gần đây, giới nghiên cứu khoa học xã hội ngày càng coi trọng và đi sâu tìm hiểu các vấn đề cơ sở văn hóa, xác định nền tảng lý thuyết văn hóa, phác thảo đại cương về các nền văn hóa theo tiến trình lịch sử, phạm vi dân tộc và khu vực.

Việc vận dụng đúng mức những kiến giải văn hóa vào từng lĩnh vực khoa học giúp cho các chuyên ngành phát triển mạnh mẽ, tạo nên xu hướng liên ngành và tác động trở lại chính những hiểu biết sâu rộng và toàn diện về văn hóa…

Có thể nói công trình khảo cứu của Trần Nho Thìn đã góp phần mở rộng con đường tiếp cận văn học trung đại, nâng cấp một hướng nghiên cứu chuyên sâu và phục vụ thiết thực công tác giáo dục, đào tạo, nghiên cứu văn hóa - văn học dân tộc”.

NXB Giáo dục khẳng định: “Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học do PGS.TS Trần Nho Thìn biên soạn là một trong những cuốn sách thuộc mảng sách chất lượng cao, được xuất bản hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (1957 - 2017).

Cuốn sách tập trung làm rõ vị trí, vai trò của văn hóa và đề xuất phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học. Lấy con người làm trung tâm, tiếp cận nội dung văn học qua các mối quan hệ của con người với thiên nhiên, với xã hội và với chính bản thân mình, Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học đề cập đến vấn đề con người trong văn học từ các góc nhìn của văn hóa chính trị, văn hóa ứng xử với cảm xúc, văn hóa ứng xử giới, văn hóa ứng xử với cộng đồng”.

Tôi thật may mắn và tự hào khi được học thầy, những điều thầy đem lại cho tôi và những người từng được thầy hướng dẫn vô cùng quý báu và bổ ích. Năm nay thầy đã bước sang tuổi 70 và nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi mong thầy luôn khỏe mạnh để cống hiến thêm cho nền nghiên cứu, giảng dạy Văn học nước nhà. Từ đáy lòng mình tôi luôn thầm cảm ơn thầy. Cô NGUYỄN QUỲNH ANH

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng danh người thầy