Tình trạng này trong thực tế không phải là hiện tượng mới mà đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, những năm gần đây sự việc này đang trở nên nóng hơn bao giờ hết do sự phát triển mạnh mẽ của những ứng dụng trên không gian mạng, thêm vào đó là số lượng trẻ em sử dụng mạng xã hội đang ngày càng nhiều hơn.
Chị Phạm Thị Ngọc Lan (35 tuổi, Hà Nội) bức xúc cho biết việc con gái mình trước đây thường xuyên xem một tài khoản YouTube mang tên Thơ Nguyễn. Trong một lần tình cờ, chị phát hiện ra con gái 8 tuổi của mình đang xem nội dung “xin vía” học giỏi từ một con búp bê Kumanthong (một loại búp bê Thái Lan).
“Chuyện cách đây đã lâu nhưng tôi vẫn nhớ mãi. Con tôi nằng nặc cho rằng không cần phải đi học thêm, cũng không phải làm bài tập về nhà mà chỉ cần mua nước ngọt cho búp bê uống là nó sẽ phù hộ cho con học giỏi. Sau đó tôi đã phải có biện pháp kịp thời răn đe, giáo dục đối với con trẻ. Những nội dung này có thể gây ảnh hưởng, làm sai lệch nhận thức của trẻ nhỏ. Trước đó đã có lần tôi cấm cháu xem kênh YouTube này vì thấy toàn bày cho mấy đứa trẻ con làm trò vô bổ”, chị Lan bức xúc nói.
Theo ghi nhận sau đó, qua quá trình xác minh và làm việc, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã xử phạt tài khoản YouTube Thơ Nguyễn số tiền 7,5 triệu đồng về hành vi chia sẻ thông tin mê tín dị đoan.
Anh Hồ Trung Kiên (39 tuổi, Hải Dương) chia sẻ, anh đã cấm con trai học lớp 5 sử dụng điện thoại do phát hiện con mình thường xuyên xem các clip với nội dung nhún nhảy, khoe các bộ phận cơ thể nhạy cảm trên nền tảng TikTok với mục đích bán đồ lót, đồ ngủ. Anh cho rằng việc các cháu còn quá nhỏ sẽ rất dễ bị ảnh hưởng xấu, lệch lạc tâm lý và lối sống nếu như xem các nội dung phản cảm không được kiểm duyệt kỹ càng như vậy. Đáng nói, vì nhiều lí do, những nội dung này vẫn xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát ở trên mạng xã hội.
Đánh giá vấn đề này, có thể thấy những nội dung nhảm nhí, phản cảm cần phải bị lên án, phê phán một cách quyết liệt và nghiêm khắc. Trên thực tế, việc sáng tạo nội dung mang tính sáng tạo nhằm thu hút người xem là không sai, thế nhưng việc bất chấp chuẩn mực đạo đức để “câu” tương tác là không thể chấp nhận được.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau: Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân qua mạng xã hội; Cung cấp chia sẻ thông tin cổ suý mê tín dị đoan, dâm ô đồi trụy không phù hợp thuần phong mỹ tục; Cung cấp chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội,…
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng thường xuyên ban hành các văn bản yêu cầu Sở TT&TT các tỉnh, thành phố tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc lan truyền thông tin xấu, độc, tin sai sự thật. Đồng thời các cơ quan báo chí cần tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng các vụ việc, không lan truyền các thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.