Sát cánh cùng học trò vùng cao

Phương Thảo | 16/05/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong muôn vàn khó khăn, thầy cô tại điểm trường Lũng Hoài Trường Tiểu học Thượng Nung (Thái Nguyên) vẫn luôn sát cánh cùng học trò vùng cao...

Nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ trò nghèo Vùng Cao, mỗi ngày đến trường, học sinh tại điểm trường Lũng Hoài được ăn bữa trưa có giá 8.000 đồng/suất. Để chuẩn bị bữa ăn cho trò, từ sáng thầy cô đã ngược đường rừng mua thực phẩm, về chế biến thành từng món, sau đó lên lớp. Nhờ sự giúp đỡ của phụ huynh, khi bó củi, lúc mớ rau, bữa cơm trưa của học trò đều được hoàn tất trước 11 giờ.

“Nói là bếp cho sang nhưng thực ra chỉ là 1 góc phòng nhỏ được trưng dụng, bên trong có 1 cái kiềng 3 chân, bó củi, vài cái xoong nồi, một ít gia vị… Bữa ăn đạm bạc với số tiền ít ỏi, nhưng các thầy cô luôn cố gắng cân đối để có thêm chút rau, thịt, cá… Đối với học sinh vùng cao, như vậy là đã ấm bụng lắm rồi. Ngoài ra, nhà trường còn sắp xếp 1 phòng cho trò nghỉ trưa và phân công giáo viên vừa quản lý học tập, vừa hỗ trợ nấu ăn, trông nom học sinh tại điểm trường” – thầy Hùng cho biết.

Theo cô Nguyễn Thị Bích Thủy, để duy trì bữa ăn đầy đủ và đều đặn, ngoài sự hỗ trợ từ Quỹ trò nghèo Vùng Cao, Trường Tiểu học Thượng Nung tiếp tục liên hệ các nhà hảo tâm với mong muốn mỗi ngày có thêm một chút thức ăn để các em ăn ngon và đảm bảo dinh dưỡng hơn. Cán bộ công tác tại địa phương và phụ huynh cũng hỗ trợ cho trường rất nhiều. Dù còn khó khăn nhưng nhà trường vẫn quyết tâm duy trì bếp ăn cho học sinh trong các năm học tiếp theo.

Những hạt gạo nghĩa tình, bữa cơm ấm áp từ Quỹ trò nghèo Vùng Cao, các nhà hảo tâm và thầy cô giáo đã làm vơi bớt lo toan, thiếu thốn của học trò nghèo, giúp các em có thêm nghị lực để vượt khó vươn lên trong học tập. Nhờ có bếp ăn cho học sinh, năm học qua, nhà trường duy trì được sĩ số, qua đó, góp phần giảm thiểu số lượng học sinh bỏ học giữa chừng, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi.

Bà Phan Thị Phương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Võ Nhai cho biết: 100% học sinh ở điểm trường Lũng Hoài là người Mông, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà cách trường khá xa nhưng điểm trường chưa có chế độ bán trú. Phần lớn các em tự đi bộ đến trường, học xong buổi sáng lại đi bộ về nhà. Thậm chí, nhiều em buổi sáng bụng đói đến trường nên buổi chiều không đủ sức đi học tiếp. Thế nhưng, từ khi điểm trường tổ chức bữa ăn, các em được ăn ngủ trưa tại trường, không còn tình trạng trò bỏ học, nghỉ học.

“Chứng kiến bữa ăn của các em mới hiểu đây không đơn thuần là bữa ăn bình thường mà còn chứa đựng tình yêu thương của thầy, cô giáo và các nhà hảo tâm. Bữa cơm giúp trò có thêm động lực đến trường, được học cái chữ, có thêm kỹ năng sống để mở lòng, hòa nhập tốt hơn”, bà Phan Thị Phương bày tỏ.

Nhà cách trường 3 cây số đường rừng, việc đi lại dù khó khăn nhưng em Mã Đức Trọng, người dân tộc Mông, học sinh lớp 5B đi học đều đặn. Bởi với Trọng, đến trường không chỉ được các thầy cô dạy chữ, em còn được ăn cơm và nghỉ trưa tại lớp. “Đi học hôm nào cũng được ăn cơm no, thích hơn ở nhà”, em Trọng cho biết.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/sat-canh-cung-hoc-tro-vung-cao-post638506.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/sat-canh-cung-hoc-tro-vung-cao-post638506.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sát cánh cùng học trò vùng cao