Căn cứ quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015:
Khoản 1, Điều 36 quy định: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.
Điều 37 quy định: Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Bộ luật Dân sự đang quy định mở việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của Luật. Qua rà soát, chưa có văn bản nào có hiệu lực pháp luật quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền... liên quan đến chuyển đổi giới tính. Do đó, chưa có căn cứ pháp lý xác định khái niệm "người chuyển đổi giới tính".
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 4, Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-BYT ngày 30/01/2019 về xác định lại giới tính quy định hành vi bị nghiêm cấm: Thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính.
Căn cứ điểm b, khoản 2, Nghị quyết số 88/2023/QH15 ngày 02/6/2023 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023: Trình Quốc hội cho ý kiến Luật Chuyển đổi giới tính.
Trong trường hợp Luật Chuyển đổi giới tính được thông qua và có hiệu lực, căn cứ vào các quy định, Bộ Công an sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với việc cập nhật thông tin dân cư đối với trường hợp chuyển đổi giới tính.