Thông tin về lộ trình tăng giá nước sạch và mức giá dự kiến, ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, cho biết hệ thống sản xuất và phân bố nước sạch trên địa bàn TP được đầu tư bằng nhiều nguồn, trong đó, có ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, trả lời về lộ trình tăng giá nước sạch
Những năm qua, Hà Nội đã cơ bản đáp ứng nhu cầu về nước sạch, khắc phục được tình trạng thiếu nước sạch vào cao điểm mùa hè.
Hiện chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... tăng dẫn đến phải điều chỉnh giá nước sạch để vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, vừa khuyến khích các chủ thể sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, chống thất thoát, thu hút việc đầu tư vào sản xuất, phân phối nước sạch...
Căn cứ vào các quy định cụ thể về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước tại thông tư của Bộ Tài chính, Sở Tài chính Hà Nội đã chủ trì xây dựng điều chỉnh giá nước, trước mắt lộ trình là trong 2 năm (2023, 2024), áp dụng cho hộ gia đình, đơn vị cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp.
Trong đó dự kiến, đối với 1 hộ gia đình tiêu thụ thực tế đến 10 m3/tháng tăng khoảng 15.270 đồng. Đối với các nhóm khách hàng khác mức giá tăng khoảng 20%, chiếm tỉ trọng không lớn trong tổng chi phí của các đơn vị, doanh nghiệp.
Thông tin về Hà Nội sẽ rà soát, xem xét lại chủ trương lát đá vỉa hè đầu năm 2023, ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết ngày 16-12-2022, Chủ tịch UBND TP đã ban hành văn bản số 4236 về việc chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn thành phố.
Ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội
Trong đó, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành thành phố và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ... Tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, bao gồm cả việc nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng; rà soát, đánh giá hiệu quả công tác đầu tư, mỹ quan của việc lát đá vỉa hè.
Sở Xây dựng Hà Nội đã rà soát các tài liệu liên quan đến lát đá vỉa hè, tham khảo ý kiến chuyên gia, nghiên cứu phương án, đề xuất lên UBND thành phố. Ngày 20-2, Sở đã có văn bản gửi các quận, huyện và đơn vị thực hiện lát đá vỉa hè để tổng hợp và đánh giá tình trạng nguyên nhân hư hỏng, hiệu quả công tác đầu tư lát đá vỉa hè trên địa bàn thành phố. Theo văn bản, yêu cầu ngày 16-3, các đơn vị sẽ phải gửi văn bản báo cáo về Sở Xây dựng.
"Sau khi nhận được văn bản của các quận, huyện và các ý kiến đóng góp của chuyên gia, Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND thành phố. Trong đó đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực. Đồng thời sẽ thanh tra, kiểm tra các dự án sau ngày 16-3" - ông Minh nói.