Đơn hàng được sắp xếp để gọi từng khách xuống nhận hàng.
Anh Phan Đại Tài (32 tuổi) cùng bạn đồng nghiệp xếp đơn tại khoảng trống dưới chân chung cư chờ khách xuống lấy hàng. Theo anh Tài, ngày tết, nhiều khi các shipper phải tăng ca để giao đủ đơn hàng cho khách.
Khách xuống lấy chỉ cần đọc ba số cuối cùng của số điện thoại là được nhân viên giao đúng loại hàng yêu cầu.
Theo đại diện của công ty TNHH Grab, trong khoảng một tháng trước Tết Giáp Thìn, ghi nhận số lượng đơn hàng GrabExpress (giao hàng - PV) tăng cao đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này thể hiện nhu cầu của người tiêu dùng đang gia tăng trong mùa mua sắm quan trọng nhất trong năm.
Các sàn thương mại điện tử, các chuỗi bán lẻ và các nhà bán hàng cá nhân cũng có sự đầu tư nhất định vào các hoạt động kích cầu và tận dụng những giải pháp giao hàng đa dạng, tiện lợi trên thị trường để nắm bắt cơ hội này.
Theo ông Phạm Bảo Trung, đồng Giám đốc kinh doanh của Metric, doanh nghiệp chuyên tổng hợp, phân tích dữ liệu về thương mại điện tử, từ 7/ 11 - 7/12 âm lịch năm 2023, doanh thu trên 5 sàn TMĐT (Shopee, Lazada, Tiktok Shop, Tiki, Sendo) đạt hơn 22.000 tỷ đồng và sản lượng sản phẩm đạt 235,7 triệu sản phẩm, tăng lần lượt 49,3% và 57,8% so với cùng kỳ năm 2022.
"Thị trường mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây. Riêng năm 2023, Thương mại điện tử vẽ một gam màu sáng khi tác động tích cực đến nền kinh tế số, phát huy được vai trò đối với phân phối và tiêu dùng nội địa. Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 25% và nằm trong top đầu của thế giới", ông Trung cho biết.
Ông Phạm Bảo Trung cho rằng, xu hướng mua sắm trực tuyến phát triển mạnh từ giai đoạn đại dịch Covid 19 mới xuất hiện. Tới thời điểm hiện nay, tại các đô thị lớn, mua sắm trực tuyến không còn là xu hướng nữa mà trở thành thói quen tiêu dùng của người dân.