Văn hóa

Siết trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa

12/04/2025 07:20

Trong khi nhiều di sản được bảo vệ và phát huy, lan toả giá trị tích cực, thì không ít di sản bị xâm hại, tu bổ, tôn tạo không đúng quy định, trái nội dung thẩm định làm ảnh hưởng tới giá trị và tạo dư luận xấu.

Từ ngày 1/7/2025, Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành, tuy nhiên trước thời điểm đó lại xuất hiện một số hiện tượng có dấu hiệu xâm hại, làm mất đi giá trị văn hóa - lịch sử nguyên bản của di tích.

Biến tướng trùng tu, phá hoại di tích

Tại công văn số 1218/BVHTTDL-DSVH do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký gửi các địa phương về việc tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, thừa nhận “vẫn còn hiện tượng tu bổ, tôn tạo, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích không theo đúng quy định của pháp luật, không đúng với nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn”.

Hiện tượng này Bộ VH,TT&DL cho rằng, không chỉ làm ảnh hưởng tới giá trị di tích, mà còn tạo dư luận không tốt trong xã hội về công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Thực tế cho thấy, thời gian qua dư luận xã hội rất bức xúc vì một số di tích bị xâm hại, thậm chí bị phá nát hoặc thay đổi kết cấu, “khoác áo mới”, biến di tích thành một công trình hiện đại…

Trong đó có thể kể đến một số vụ việc, như: Bê tông hóa đình Lương Xá – một ngôi đình cổ đã tồn tại hàng trăm năm ở xã Liên Bạt (Ứng Hòa, Hà Nội); đền Nưa tại Thanh Hoá bị người trông coi tự ý phá dỡ tiền đường bằng gỗ, lén lút xây mới bằng bê tông; hai di tích quốc gia ở Bắc Ninh là đình Đại Lâm và chùa Thiên Phúc bị hạ giải trái phép, thậm chí còn tự ý đào móng và đổ giằng bê tông cốt thép.

Mới đây nhất, việc phá dỡ, tu bổ đền Đuổm (Phú Lương, Thái Nguyên) với việc huy động máy móc cỡ lớn tiến hành phá dỡ nhiều hạng mục cũng dư luận “dậy sóng”. Sau đó, Cục Di sản văn hóađã phải có văn bản yêu cầu Sở VH,TT&DL tỉnh Thái Nguyên phối hợp chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, có biện pháp xử lý.

Trước thực tế nhiều di tích bị xâm hại, Bộ VH,TT&DL đã đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm; kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm kê, xếp hạng mới di tích, gắn kết chặt chẽ với chương trình, kế hoạch tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích.

Thậm chí, bất kể dự án trùng tu, tôn tạo được triển khai từ nguồn ngân sách nào cũng phải đảm bảo Luật Di sản văn hóa. Địa phương có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình, quy định, thủ tục triển khai dự án, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành, nhà khoa học và chỉ thực hiện khi có văn bản thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Với việc Luật Di sản văn hóa sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đã ký Quyết định số 723/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thi hành, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi cả nước. Đồng thời, siết chặt trách nhiệm bảo vệ di sản văn hoá, không để tình trạng xâm hại, phá hoại di tích có cơ hội tái diễn.

siet-trach-nhiem-bao-ve-di-san-van-hoa-2.jpg
Máy móc cỡ lớn tiến hành phá dỡ nhiều hạng mục tại đền Đuổm (Thái Nguyên) vào tháng 3/2025.

Giữ nguyên tên gọi của di sản

Cùng với nhiệm vụ tăng cường quản lý di tích, Bộ VH,TT&DL cũng vừa có văn bản đề nghị các địa phương giữ nguyên tên gọi của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia, cấp tỉnh, thành phố, khu du lịch quốc gia sau sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.

Tên gọi các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, thành phố đã được công nhận, xếp hạng… phải được giữ nguyên tên để không làm thay đổi yếu tố gốc theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước năm 1972.

Tuy nhiên các tổ chức, ban - trung tâm quản lý di tích có liên quan trực tiếp đến đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp cần được rà soát, điều chỉnh tên gọi, địa danh, địa chỉ mới. Đảm bảo phải có tổ chức, người đại diện chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo vệ, trông nom di tích. Không để tình trạng không có hoặc không rõ người chịu trách nhiệm trực tiếp.

Ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc thẩm quyền của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.

Rà soát các hồ sơ khoa học di tích được lưu trữ để có cơ sở quản lý di tích theo thẩm quyền. Đặc biệt lưu ý “Biên bản và Bản đồ khoanh vùng” các khu vực bảo vệ di tích có xác nhận của UBND cấp xã trước sắp xếp để thống nhất quản lý đất đai. Trường hợp không còn lưu trữ, phải có sao y từ cơ quan quản lý cấp trên.

Di sản văn hóa phi vật thể cũng phải giữ nguyên tên gọi để không làm thay đổi giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản; rà soát hồ sở khoa học của di sản để thống nhất phạm vi phân bố, lan tỏa của di sản để có cơ sở quản lý theo thẩm quyền. Rà soát, xác định và điều chỉnh đơn vị hành chính nơi đang lưu giữ bảo vật quốc gia so với tên đơn vị hành chính trong Quyết định công nhận.

Giữ nguyên tên gọi các khu du lịch quốc gia đã được công nhận, đồng thời cập nhật địa danh gắn với khu du lịch theo đơn vị hành chính mới. Điều chỉnh tên gọi, địa danh, địa chỉ mới của tổ chức - ban quản lý khu du lịch có liên quan trực tiếp đến đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Trừ các lễ hội truyền thống đã được UNESCO ghi danh hoặc trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các lễ hội truyền thống được xác định theo hai cấp là “lễ hội truyền thống cấp tỉnh” hoặc “lễ hội truyền thống cấp xã”.

Ngày 10/4, Bộ VH,TT&DL cho biết, đang tiến hành “Lấy ý kiến 2 dự thảo”: Thứ nhất là Thông tư chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phân loại di vật, cổ vật. Thứ hai là Thông tư quy định về kiểm kê di sản văn hóa, công bố danh mục kiểm kê di sản văn hóa và việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 9/4 và sẽ kết thúc sau ngày 7/6.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/siet-trach-nhiem-bao-ve-di-san-van-hoa-post726597.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/siet-trach-nhiem-bao-ve-di-san-van-hoa-post726597.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Siết trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa