Sinh viên Anh 'chới với' giữa làn sóng đình công

03/08/2023, 13:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhân viên giáo dục đình công trên khắp nước Anh đã đẩy hàng nghìn sinh viên vào trạng thái lấp lửng vì chưa được chấm điểm và trao bằng tốt nghiệp.

Một số sẽ phải về nước ngay khi thị thực sinh viên hết hạn.

Mùa hè này, Amelia Dias, 22 tuổi, sinh viên năm cuối ngành Luật và Quan hệ quốc tế tại Đại học Edinburgh nhận được một lá thư xin lỗi thay bằng cử nhân. Theo nội dung bức thư, Edinburgh nằm trong hơn 100 trường đại học ở Anh bị nhân viên tẩy chay nên đã dừng chấm điểm và đánh giá sinh viên. Do đó, Amelia không đạt đủ điểm cho khóa học.

“Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì đã không thể bảo vệ sinh viên khỏi tác động của tranh chấp quốc gia và chúng tôi vô cùng xin lỗi về sự không chắc chắn mà sinh viên phải đối mặt trong tương lai”, thông tin từ ĐH Edinburgh.

Amelia đã trả khoảng 80 nghìn bảng Anh học phí nhưng có nguy cơ phải rời khỏi nước Anh sau khi hết hạn thị thực sinh viên mà chưa có bằng tốt nghiệp.

Nữ sinh này là một trong số hàng chục nghìn sinh viên tại Anh bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công kéo dài hàng tháng của các nhân viên giáo dục. Vấn đề tranh cãi về tiền lương và điều kiện việc làm khiến các lớp học, kỳ thi và lễ tốt nghiệp đại học bị gián đoạn.

Rơi vào tình trạng tương tự, nhiều sinh viên không thể tìm việc làm hay học lên cao học. Đặc biệt, sinh viên quốc tế sắp hết hạn thị thực sẽ phải trở về nhà. Trong trường hợp của Amelia, nữ sinh có thể nộp phí để gia hạn thị thực đến tháng 1/2024 nhưng không chắc liệu các trường đại học có thể giải quyết tình hình trong thời gian này hay không.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Anh thông báo sinh viên quốc tế chưa nhận bằng có thể yêu cầu thư xác nhận từ trường đại học hoặc trở về nước và xin thị thực sinh viên khác. Tuy nhiên, chị Anna Hendricks, sinh viên ĐH Edinburgh, dự kiến học luật cao học vào tháng 9, cho biết trường đại học không chấp nhận thư từ Edinburgh vì thiếu các thông tin chi tiết. Nữ sinh có nguy cơ không thể học cao học vào tháng 9 này.

Hàng trăm nghìn nhân viên trong các lĩnh vực từ chăm sóc sức khoẻ đến vận tải tại Anh đã đình công từ năm ngoái do lương thưởng không theo kịp lạm phát. Câu chuyện này cũng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục.

Hiệp hội các nhà tuyển dụng trường đại học và cao đẳng, đại diện cho 144 tổ chức giáo dục đại học, đã yêu cầu mức tăng lương 5 - 8%. Họ đã đạt được thỏa thuận nhưng Hiệp hội Đại học và Cao đẳng (UCU), đại diện cho hơn 120.00 nhân viên, vẫn đình công từ tháng 4 đến tháng 9.

Trong thời gian này, giảng viên, nhân viên các trường đại học không làm việc, trong đó có chấm bài thi, nên nhiều trường đại học chưa thể trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên. Một số trường ước tính có thể cấp bằng cho sinh viên vào tháng 11 trong khi số khác sẽ có sớm hơn. Nhiều sinh viên đã xuống đường, yêu cầu mức lương và đãi ngộ phù hợp hơn với nhân viên các trường đại học để họ yên tâm công tác.

Tranh chấp về tiền lương không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường đại học mà còn gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của họ trên trường quốc tế. Đáng chú ý nhiều trường đại học trong số này là trường nổi tiếng, thu hút đông du học sinh.

Ước tính, hơn 140 trường đại học chậm cấp bằng tốt nghiệp. Tháng 6, ĐH Cambridge thông báo hơn 50% trong số 4.500 sinh viên tốt nghiệp năm nay sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công. Còn ĐH Edinburgh thống kê khoảng 27% sinh viên năm cuối chưa nhận được bằng tốt nghiệp.

Theo Reuters

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên Anh 'chới với' giữa làn sóng đình công