Giáo dục

Sinh viên các trường ĐH hàng đầu Trung Quốc ám ảnh bị tụt lại phía sau

22/09/2024 09:52

Khi cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn, ngay cả những người chiến thắng cũng lo lắng rằng, thành công của họ chỉ là tạm thời.

Cạnh tranh khốc liệt

Những “người chiến thắng” của kỳ thi thường niên “gaokao” được nhận vào một trong những trường đại học “985” danh giá của Trung Quốc. Đây là nhóm gồm 39 cơ sở giáo dục đại học được “Dự án 985” chọn để tăng kinh phí vào năm 1998, nhằm tạo ra tổ chức giáo dục đẳng cấp thế giới tại nước này.

Tuy nhiên, thực tế, việc được nhận vào một trường đại học 985 không đảm bảo cho một cuộc sống dễ dàng, hoặc thậm chí là một công việc tốt. Đầu năm nay, một nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 65 sinh viên từ các trường đại học 985. Những gì nghiên cứu phát hiện ra là sự lo lắng chung về giá trị của bằng cấp trong bối cảnh xã hội đang thay đổi nhanh chóng.

Thông thường, những sinh viên trúng tuyển vào các trường đại học 985 coi mình là người chiến thắng trong một hệ thống trọng dụng nhân tài được đặc trưng bởi một loạt quy tắc nghiêm ngặt và rõ ràng. Học tập chăm chỉ, đạt điểm đủ cao trong kỳ thi “gaokao” và sinh viên sẽ được xếp vào nhóm tinh hoa của đất nước.

Song, cách tiếp cận này không còn là con đường duy nhất để vào được một trường hàng đầu nữa. Các cán bộ tuyển sinh đại học hiện nay đưa ra quyết định dựa trên những hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm làm việc và thậm chí là nghiên cứu khoa học.

Điều đó có nghĩa là học sinh trung học không chỉ cần điểm thi cao, mà còn cần bằng chứng chứng minh rằng, họ là những ứng viên toàn diện. Đây được coi là một rào cản lớn hơn nhiều so với trước đó.

“Tôi không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy. Khi không còn bị ràng buộc bởi việc làm bài kiểm tra và có thể tự do khám phá sở thích, mọi người cũng sẽ bắt đầu nhận ra tất cả những thiếu sót của mình bên ngoài các bài kiểm tra”, một trong những người được phỏng vấn cho biết.

Trong khi đó, theo một người khác, khoảng 80% cuộc đời chúng ta dành cho việc học, tất cả vì điểm số, cũng như thứ hạng. “Bây giờ, chúng ta cũng phải tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa và phát triển các kỹ năng cá nhân nổi bật. Đây là điều mà chúng ta khó có thể làm được trong cuộc sống hằng ngày”, sinh viên này chia sẻ.

Nền giáo dục hiện tại của Trung Quốc được đặc trưng bởi một hệ thống phân cấp rõ ràng, với các trường ưu tú như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh ở vị trí cao nhất. Theo sau đó là các tổ chức như trường 985, tiếp đến là những trường đại học tổng quát hơn và trường cao đẳng kỹ thuật.

Điều thú vị là, học sinh bắt đầu càng cao, họ càng cảm thấy mình chịu mất mát nhiều hơn. Một sinh viên trả lời phỏng vấn đã nêu ra thông lệ chung là cố gắng nhảy một bậc trong kỳ thi sau đại học, chẳng hạn như chuyển từ một trường đại học thông thường sang một trường 985: “Khi chọn mục tiêu cho kỳ thi tuyển sinh sau đại học, 60 - 70% sẽ cố gắng tiến lên một bước”.

Điểm xuất phát càng cao, sinh viên càng cảm thấy khó để tiến lên. Trong khi đó, những sinh viên bắt đầu ở các tổ chức trên đỉnh cao cảm thấy áp lực vì phải luôn dẫn đầu. “Nhiều sinh viên khác của Đại học Bắc Kinh ở trong tình huống tương tự như tôi và lo lắng về việc tụt lại.

Điều này khiến một số người chọn đi du học. Thật là bi thảm. Nhiều sinh viên vào Đại học Thanh Hoa hoặc Bắc Kinh nghĩ rằng, họ đã đạt đến đỉnh cao của hệ thống giáo dục Trung Quốc. Sau đó, họ phải vật lộn để duy trì vị trí hàng đầu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra”, một sinh viên cho biết.

Trong khi đó, mô hình thăng tiến nghề nghiệp ngụ ý bởi các quy tắc trọng dụng người tài của hệ thống đã bắt đầu lung lay. Mặc dù nhiều sinh viên tại các trường 985 là người học có năng khiếu, nhưng họ có thể không thành công khi vận dụng kiến thức đã học vào công việc.

Một người được phỏng vấn giải thích: “Tôi muốn sống trong thời đại mà nếu chăm chỉ làm việc, bạn có thể tự tạo dựng sự nghiệp và kiếm tiền. Về mặt thay đổi mức sống, bất kỳ hy vọng nào về một tương lai tươi sáng đều bị dập tắt bởi thực tế là, lương ở mức trung bình trong khi giá nhà lại cao.

Tôi phát hiện ra rằng, cuộc sống thực sự khó khăn. Vậy thì mục đích của việc đỗ vào một trường đại học 985 là gì? Tôi không thể thay đổi tình hình này bằng cách học tại một trường 985”.

Những sinh viên này cho biết từng nghĩ rằng, nếu chăm chỉ làm việc, thì tương lai tươi sáng gần như chắc chắn sẽ đến. Tuy nhiên, khi quy tắc này dần bị phá vỡ, họ cũng trở thành những người bối rối, thất vọng và lo lắng.

Trong bối cảnh này, học giả người Hàn Quốc Chang Kyung-Sup đã gọi quá trình hiện đại hóa phức tạp, đa dạng và nhanh chóng ở Đông Á là “hiện đại bị nén”. Tình trạng này tạo ra một xã hội thiếu tư duy dài hạn và dựa nhiều hơn vào việc sử dụng các chỉ số định lượng để đánh giá thành tựu phát triển khác nhau, cũng như để đánh giá con người hoặc tài năng.

Những người trẻ tuổi, là xương sống của xã hội, bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cách tiếp cận này. Họ đồng thời bị kéo vào các so sánh về hiệu suất, định lượng, cạnh tranh và hiệu quả. Từ đó, dẫn đến sự gia tăng lo lắng ảnh hưởng đến mọi người, ngay cả những sinh viên dường như đứng đầu.

sinh vien cac truong dai hoc hang dau trung quoc noi lo bi tut lai phia sau (1).jpg
Các sinh viên phải vật lộn để duy trì vị trí hàng đầu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Trì hoãn gia nhập thị trường việc làm

Vừa qua, các trường trên khắp Trung Quốc đã công bố kế hoạch kéo dài thời gian đào tạo sau đại học. Bởi, các trường tận dụng lợi thế từ sự sẵn sàng trì hoãn việc gia nhập thị trường việc làm ngày càng tăng của sinh viên.

Các quy định về giáo dục đại học của Trung Quốc yêu cầu chương trình thạc sĩ phải kéo dài từ hai đến ba năm. Trong khi đó, chương trình tiến sĩ phải kéo dài từ ba đến bốn năm.

Cho đến gần đây, hầu hết các trường đại học đều áp dụng thời gian đào tạo tối thiểu bắt buộc cho chương trình của mình. Song, điều đó đang bắt đầu thay đổi trong bối cảnh số lượng đơn đăng ký vào các chương trình sau đại học tăng kỷ lục. Đại học Sư phạm Quảng Tây ở thành phố phía Nam Quế Lâm đã công bố, một số chương trình sau đại học của trường sẽ được kéo dài bắt đầu từ năm 2025.

Chương trình tiến sĩ hóa học của trường sẽ kéo dài bốn năm thay vì ba năm. Trong khi đó, 17 chương trình thạc sĩ thuộc 14 khoa sẽ được kéo dài từ hai lên ba năm.

Trước đó, Đại học Ligong Thẩm Dương cũng cho biết có kế hoạch kéo dài 25 chương trình thạc sĩ thuộc 10 khoa từ hai năm rưỡi lên ba năm. Trong đó, bao gồm các chương trình về kỹ thuật cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ thuật môi trường và hóa học.

Một số trường đại học khác, bao gồm Đại học Nghiên cứu Quốc tế Tây An và Đại học Sư phạm Nội Mông, đã thực hiện những thay đổi tương tự trong vài tháng qua. Giải thích cho động thái này, các trường đại học cho biết, việc kéo dài thời gian đào tạo sẽ cho phép sinh viên có được chuyên môn cao hơn trong lĩnh vực họ đã chọn.

Ông Xiong Bingqi, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, cho biết, việc mở rộng các chương trình sau đại học là một phần trong nỗ lực của chính phủ, nhằm giảm sự kỳ thị gắn liền với các bằng cấp chuyên nghiệp trái ngược với chương trình học thuật thuần túy.

Ở Trung Quốc, hầu hết sinh viên sau đại học đều theo học các chương trình thạc sĩ chuyên nghiệp, trước đây thường mất hai năm để hoàn thành. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng thường ưu tiên những sinh viên tốt nghiệp các chương trình học thuật, vốn có xu hướng yêu cầu ba năm học.

Bộ Giáo dục Trung Quốc muốn chấm dứt sự phân biệt đối xử này. Vào cuối năm 2023, Bộ đã ban hành một hướng dẫn quy định rằng, hai loại bằng thạc sĩ đều quan trọng như nhau. Đồng thời cho biết, Trung Quốc sẽ tăng tỷ lệ sinh viên sau đại học hoàn thành các bằng cấp chuyên nghiệp.

Thông báo kéo dài thời gian đào tạo đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Một số sinh viên đã nắm bắt cơ hội được học lâu hơn, cho rằng thêm một năm sẽ giúp họ có thêm thời gian để nắm vững chuyên ngành của mình.

sinh vien cac truong dai hoc hang dau trung quoc noi lo bi tut lai phia sau (2).jpeg
Vừa qua, các trường trên khắp Trung Quốc đã công bố kế hoạch kéo dài thời gian đào tạo sau đại học.

Họ cũng cho rằng, việc hoàn thành các kỳ thực tập sẽ giúp mang lại triển vọng nghề nghiệp cao hơn Nhiều sinh viên không vội vàng rời trường vì thiếu triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn cho những người mới tốt nghiệp.

Tại Trung Quốc, số lượng đơn xin học sau đại học đã đạt mức cao kỷ lục trong những năm gần đây, với nhiều sinh viên hy vọng sẽ tiếp tục học cho đến khi thị trường việc làm cải thiện.

Li Zihan, người sắp bắt đầu chương trình thạc sĩ báo chí và truyền thông tại Đại học Công nghệ Đại Liên ở Đông Bắc Trung Quốc, chia sẻ, ngày càng có nhiều sinh viên sau đại học chọn các chương trình dài hơn.

Cô cho biết: “Một số người muốn hoàn thành chương trình học nhanh chóng và bắt đầu đi làm. Trong khi đó, những người khác thích dành nhiều thời gian hơn cho việc học”. Tại Đại học Công nghệ Đại Liên, tất cả các chương trình thạc sĩ hiện nay đều kéo dài ba năm.

Li cho biết đã chọn một chương trình dài hơn vì cảm thấy tốc độ học chậm sẽ mang lại nhiều hữu ích. Tuy nhiên, Li thừa nhận rằng, việc theo đuổi một chương trình cấp bằng trong thời gian dài sẽ làm tăng gánh nặng tài chính cho gia đình. Hiện, Li có một em trai cũng đang đi học.

“Học phí cho chương trình sau đại học cao hơn nhiều so với chương trình đại học. Không phải gia đình nào cũng đủ khả năng chu cấp cho một người ở giai đoạn này. Một số bạn cùng lớp của tôi phải đối mặt với chi phí thậm chí còn cao hơn, đặc biệt là những người học ở Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi các trường học không còn cung cấp chỗ ở nữa”, Li cho biết.

Bên cạnh đó, một số người lo ngại rằng, việc kéo dài thêm thời gian đào tạo có thể ảnh hưởng tới triển vọng việc làm của sinh viên. “Việc học thêm một năm sẽ không giúp bạn dễ xin việc hơn. Ngược lại, việc lớn hơn một tuổi sẽ khiến quá trình tìm kiếm việc làm trở nên khó khăn hơn”, một tài khoản mạng xã hội bình luận.

Chang Xinyao, một sinh viên luật ở Bắc Kinh, cũng đồng ý với quan điểm này. Mặc dù các chương trình dài hơn cho phép sinh viên có thêm kinh nghiệm làm việc trong khi học, cô lo ngại rằng, các nhà tuyển dụng sẽ phân biệt đối xử với những người chậm trễ trong việc gia nhập thị trường việc làm. “Điều này có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử về tuổi tác đối với sinh viên, đặc biệt là phụ nữ”, cô gái 24 tuổi cho biết.

Theo Sixth Tone

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên các trường ĐH hàng đầu Trung Quốc ám ảnh bị tụt lại phía sau