Sinh viên kết nối thúc đẩy bình đẳng giới

Minh Phong | 13/01/2023, 14:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trăn trở với định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới, nhiều sinh viên thực hiện các tiểu dự án nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập từ thực tiễn.

Giảm thiểu định kiến giới

Buổi kết nối trực tuyến giữa nhóm sinh viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam và ĐH Đà Nẵng (sáng 13/1) diễn ra cởi mở, ấm cùng và đúng trọng tâm. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện tiểu dự án giảm thiểu định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới.

Chương trình nằm trong khuôn khổ dự án thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam do Liên minh Châu Âu, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, Tổ chức Oxfam Việt Nam, Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) tài trợ. Trước đó, Cuộc thi Sáng kiến giới mùa thứ 3 đã được phát động sáng 30/12/2022.

TS Trương Thúy Hằng - Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam – cho biết, thực hiện tiểu dự án trên, phía Học viện có 4 dự án, Đại học Đà Nẵng có 3 dự án.

Buổi kết nối nhằm giới thiệu về các tiểu dự án của hai đơn vị; từ đó tìm ra những điểm chung để hai bên có thể chia sẻ, kết nối sâu hơn. Qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả của các tiểu dự án; từng bước lan tỏa đến 2 địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Theo TS Trương Thúy Hằng, Học viện Phụ nữ Việt Nam có thể đồng hành cùng ĐH Đà Nẵng trong hoạt động truyền thông, giới thiệu những thông tin về Hà Nội có liên quan đến chủ đề. Ngược lại, ĐH Đà Nẵng có thể chia sẻ những vấn đề về định kiến giới, liên quan đến các tiểu dự án mà sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam đang làm. Sự kết hợp này sẽ giúp các tiểu dự án có chất lượng, thiết thực hơn và có tính lan tỏa đến thanh niên và toàn xã hội.

Sinh viên kết nối thúc đẩy bình đẳng giới ảnh 1

Sinh viên Phàn Thị Chấu (bên trái) và Lê Thị Anh thảo luận về tiểu dự án mà mình đang thực hiện.

Là thành viên của tiểu dự án “Phát huy sự tham gia của sinh viên dân tộc thiểu số trong các hoạt động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho học sinh vùng dân tộc thiểu số”, Phàn Thị Chấu – lớp k7 Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam – chia sẻ, dự án này tập trung vào 4 hoạt động chính: Thứ nhất, xây dựng bộ tài liệu gồm 5 chủ đề: phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống tảo hôn; phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em; phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực đường.

Thứ hai, triển khai thực hiện tập huấn, kỹ năng thành lập duy trì nhóm cho các bạn thành viên trong nhóm.

Thứ ba, tổ chức các buổi thực hành cho các thành viên trong nhóm và chủ động truyền thông cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tư, sử dụng bộ tài liệu nêu trên để thực hiện các buổi truyền thông đúng với văn hóa vùng miền, phù hợp với thuần phong mĩ tục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thông qua tiểu dự án, Phàn Thị Chấu và các thành viên trong nhóm mong muốn nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động cộng đồng của học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Đồng thời, thúc đẩy trách nhiệm của sinh viên dân tộc thiểu số nhằm đem lại kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ em ngay tại quê hương mình.

“Trên hết, chúng em muốn gieo ước mơ khát vọng vươn lên của học sinh dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động cống hiến, phục vụ cộng đồng. Mặt khác, nâng cao vai trò của học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Từ đó, giúp các bạn lựa chọn cho mình cuộc sống an toàn, có khát vọng vươn lên để có tương lai xán lạn” – Phàn Thị Chấu chia sẻ.

Tiến tới bình đẳng, bình quyền

Sinh viên Lê Thị Anh – Lớp K10 Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam, đại diện tiểu dự án “Giảm thiểu định kiến giới về vai trò giới truyền thống của con trai trưởng và con dâu trưởng trong gia đình và dòng họ” – cho hay, khó khăn của cả nhóm là tiếp cận với nhiều người ở các lứa tuổi khác nhau trên địa bàn TP Hà Nội. Nhất là với những người lớn tuổi, họ vẫn đặt nặng vấn đề về định kiến con trai, con dâu trưởng. Vì vậy, rất khó để thay đổi quan niệm sống của họ.

Thông qua tiểu dự án, Lê Thị Anh và các thành viên trong nhóm mong muốn thay đổi cách nhìn cho các bạn trẻ, không nên đặt nặng vai trò con trai, con dâu trưởng. Thay vào đó, mọi thành viên trong đình đều bình đẳng quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ như nhau.

“Để truyền thông được vấn đề này, ngoài các hoạt động nhạc kịch, sân khấu hóa, chúng em đã tính đến phương án đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội. Ý tưởng này xuất phát từ buổi kết nối trực tuyến sáng nay” - Lê Thị Anh chia sẻ.

Sinh viên kết nối thúc đẩy bình đẳng giới ảnh 2

Buổi kết nối giữa nhóm sinh viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam và ĐH Đà Nẵng được thực hiện theo hình thức trực tuyến (sáng 13/1).

Cuộc thi Sáng kiến giới mùa thứ 3 được phát động sáng 30/12/2022. Theo Thể lệ cuộc thi, sẽ có 3 nhóm tiểu Dự án có chất lượng tốt nhất nhận được tài trợ với tổng kinh phí là hơn 80 triệu đồng.

Đối tượng là các nhóm sinh viên tại các trường thực hiện dự án. Mỗi nhóm đăng ký tham gia cần được một thầy/cô trong nhóm giảng viên nòng cốt tham gia dự án tại trường hỗ trợ.

Các đề xuất sáng kiến thanh niên phải góp phần giải quyết các định kiến giới; trong đó tập trung vào một số vấn đề như: Định kiến giới về khả năng ra quyết định của mỗi giới trong gia đình (Gắn với vai trò giới truyền thống của mỗi giới trong gia đình); Định kiến giới về khả năng tham gia các ngành nghề khác nhau; Định kiến giới về vai trò lãnh đạo và tham gia cộng đồng; Định kiến giới về ngoại hình và vẻ đẹp của nam giới/nữ giới.

Thời gian thực hiện sáng kiến thanh niên: 6 tháng. Số tiền tài trợ cho mỗi sáng kiến thanh niên: Tối thiểu là 25,000,000 VND và tối đa là 35,000,000 VND.

Sau 7 năm đào tạo cử nhân giới và phát triển, Khoa giới và phát triển của Học Viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức và đồng tổ chức 5 hội thảo quốc tế, quốc gia và gần 30 hội thảo cấp Học viện, cấp khoa. Khoa cũng xây dựng 15 giáo trình, tài liệu, tập bài giảng cho sinh viên. Hàng năm, Khoa tuyển sinh 60- 70 chỉ tiêu sinh viên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên kết nối thúc đẩy bình đẳng giới