“Ngoài ra, khi xác định lựa chọn công việc trái ngành, các em cần trang bị cho mình những kiến thức liên quan ngành mình dự kiến xin việc. Đồng thời, kể cả trái ngành hay đúng chuyên ngành các em cũng phải đầu tư trình độ ngoại ngữ để nâng cao kỹ năng của bản thân, có thêm cơ hội trong lựa chọn nghề nghiệp”, cô Xuân Ngọc khuyên và chia sẻ thêm, sinh viên vừa tốt nghiệp cũng cần hiểu nhu cầu, năng lực của bản thân, cần tự đặt và trả lời câu hỏi:
Mình mong muốn có việc trong môi trường như thế nào? Chuyên ngành mình đang học có phù hợp với môi trường làm việc đó hay không? Và điều quan trọng là sinh viên phải chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội ngay từ khi còn đang đi học, tích lũy kinh nghiệm thì các nhà tuyển dụng mới mở rộng cửa đón chào.
Theo kinh nghiệm của những người đã dám dấn thân và thành công thì ngoài việc chủ động học hỏi, nghiên cứu, sinh viên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn để bổ sung kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Đồng thời, hàng năm các trường đại học đều mời các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực nhà trường đào tạo đến trường chia sẻ, trò chuyện, giải đáp mối quan tâm để giúp sinh viên định hình hướng đi, tạo điều kiện cho các bạn được trực tiếp trao đổi, nêu ra những thắc mắc của mình.
Hay tại sự kiện Ngày hội việc làm, các sinh viên có thể thử sức bằng cách tham gia các cuộc phỏng vấn của nhà tuyển dụng để biết được xu thế việc làm, yêu cầu của các doanh nghiệp hiện nay.
“Kiên nhẫn, sẵn sàng học hỏi, thích ứng linh hoạt được trong với các môi trường làm việc khác nhau là một yếu tố quan trọng giúp bạn đi đến thành công”, cô Ngọc nói.
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 sáng 17/3 ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT chia sẻ: Quy trình đào tạo đại học hiện nay đã có nhiều thay đổi, đó là đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực, điều này tạo điều kiện tốt để sinh viên có một nền tảng rộng. Do đó, mỗi sinh viên cần tạo lập cho mình phương pháp học tập, rèn thói quen tự học để có thể học tập suốt đời.
“Các em không phải chỉ học 4 năm, 5 năm hay 6 năm đại học là dừng mà phải học nữa, phải liên tục cập nhật kiến thức mới theo kịp tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Việc học đại học hay cao đẳng chỉ là những bước đầu tiên, là nền tảng quan trọng nhất cho mỗi học sinh, sinh viên nắm được phương pháp để đi con đường dài, phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp của mình. Các em học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề”, PGS Nguyễn Thu Thủy cho biết.
Thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT về việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2020 cho thấy: Có 9 lĩnh vực tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ từ 75% trở lên như Dịch vụ vận tải (89,2%); Nghệ thuật (85,4%); Thú y (85,2%). Kiến trúc và Xây dựng (79,6%); Sản xuất và Chế biến (79,5%); Toán và Thống kê (77,7%); Sức khỏe (76,7%); Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (75,8); Khoa học sự sống (75,6%).