Sinh viên ứng tuyển vào doanh nghiệp: Rèn kỹ năng và khả năng

Minh Phong | 19/04/2022, 06:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thực tế cho thấy, không phải sinh viên nào sau khi tốt nghiệp cũng có cơ hội việc làm.

Bí quyết chinh phục doanh nghiệp

Ông Lê Anh Tuấn. Ảnh: TG

Đặt vấn đề, làm thế nào để thành công trên con đường chinh phục các doanh nghiệp, ông Lê Anh Tuấn – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Thanh niên khởi nghiệp (Thành đoàn Hà Nội) – chia sẻ: Đầu tiên, các em cần rèn luyện kỹ năng viết hồ sơ ứng tuyển (CV) và thiết kế bản CV thật ấn tượng.

Việc này cần làm ngay từ bây giờ chứ không đợi ra trường mới “bắt tay” vào việc. Như thế, chẳng khác nào “nước đến chân mới nhảy”. Tiếp đến, cần rèn kỹ năng tham gia vào quá trình trả lời phỏng vấn của nhà tuyển dụng. “Với một thái độ tích cực, cầu thị thì doanh nghiệp vẫn có thể trao cơ hội cho các bạn dù các bạn có học lực yếu, ít kinh nghiệm”, ông Lê Anh Tuấn bật mí.

Nhấn mạnh đến 3 giai đoạn khi tham gia ứng tuyển, ông Lê Anh Tuấn chia sẻ: Giai đoạn đầu là trước khi ứng tuyển. Các ứng viên cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, CV, đặc biệt là tìm hiểu trước về thông tin địa điểm, doanh nghiệp và người phỏng vấn. Giai đoạn hai là trong ứng tuyển (tức là tham gia phỏng vấn). Một sai lầm mà nhiều người mắc phải là đến muộn giờ so với lịch phỏng vấn mà doanh nghiệp đã báo. Nên nhớ, danh sách phỏng vấn sẽ theo thứ tự. Vì thế, nếu đến muộn có thể sẽ bị mất lượt. Vì thế, nếu lường trước có thể muộn giờ, cách tốt nhất là gọi điện trước cho nhà tuyển dụng để xin phép.

Giai đoạn ba là sau ứng tuyển. Theo ông Lê Anh Tuấn, khi kết thúc buổi phỏng vấn, buổi tối nên dành thời gian gửi email cho nhà tuyển dụng, người phỏng vấn để bày tỏ cảm ơn. Email nên viết theo hướng ngắn gọn, chân thành, lịch sự và cầu thị. “Đôi khi chính sự nhạy bén, linh hoạt và cách ứng xử trong giao tiếp có thể giúp thí sinh đạt 99% thành công, lúc đó bản CV chỉ là tấm vé mở cửa” - ông Tuấn trao đổi.

Từng tham gia tuyển dụng hàng trăm nhân sự mỗi năm, bà Nguyễn Thị Thu Ngà – CEO Hanas Group – bật mí: Để chinh phục nhà tuyển dụng, các em cần có bí quyết. Theo đó, 3 gốc rễ để thành công là: Đạo đức, trí tuệ và nghị lực. Làm được điều này, người dự tuyển sẽ chinh phục được nhà tuyển dụng. Tất nhiên, ứng viên phải chuẩn bị, tu dưỡng trong thời gian dài và rèn luyện ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

“Ngoài ra, các em cần xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng; có tầm nhìn và hiểu về doanh nghiệp ứng tuyển. Đặc biệt, cần biết lắng nghe trong quá trình ứng tuyển và có tương tác thực sự với nhà tuyển dụng. Khi tham gia ứng tuyển, cần có thái độ tích cực, lạc quan” – bà Ngà chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Một trong những kỹ năng mà các em cần rèn luyện là tư duy giải pháp để có câu trả lời đúng - trúng khi được phỏng vấn. Mặt khác, cần thể hiện sự quyết liệt, ham học hỏi và thái độ cầu thị.

Theo ông Lê Anh Tuấn, có 3 vấn đề giúp giới trẻ có cơ hội việc làm trong tương lai. Đầu tiên là kiến thức khi học trong nhà trường. Tức là, các bạn cần nắm vững kiến thức chuyên môn khi ngồi trên ghế giảng đường. Tuy nhiên, chỉ kiến thức vẫn chưa đủ, bởi đó mới là nền tảng và điều kiện cần. Vì thế, các em cần trang bị cho mình kỹ năng khi tham gia ứng tuyển và khả năng trong quá trình làm việc.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/sinh-vien-ung-tuyen-vao-doanh-nghiep-ren-ky-nang-va-kha-nang-jZ7tm98nR.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoc-duong/sinh-vien-ung-tuyen-vao-doanh-nghiep-ren-ky-nang-va-kha-nang-jZ7tm98nR.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh viên ứng tuyển vào doanh nghiệp: Rèn kỹ năng và khả năng