Đơn cử, sau khi sáp nhập với công ty EdTech edX, 2U đã sa thải 20% lực lượng lao động. Theo sau là công ty EdTech D2L, trụ sở tại Canada, cắt giảm 5% nhân sự và nền tảng học trực tuyến Coursera cắt giảm nhân viên từ quý IV năm 2022 với lý do “tốc độ tăng trưởng chậm lại còn môi trường giáo dục trên nền tảng công nghệ thiếu chắc chắn”.
Đại diện Coursera không công bố con số nhân viên bị sa thải nhưng dự kiến cắt giảm 10 - 20 triệu USD dành cho nhân sự, bao gồm cả chi phí bồi thường hợp đồng và phúc lợi.
Công ty giáo dục trực tuyến Harappa thuộc nền tảng đào tạo trực tuyến upGrad cũng tiết lộ đã sa thải hơn 60 nhân viên. Còn tại trường học trực tuyến hàng đầu Vương quốc Anh FutureLearn, trực thuộc Đại học Mở, Giám đốc điều hành Andy Hancock thông báo đã phải nói “lời tạm biệt với một số nhân viên rất tài năng, những người đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công cho FutureLearn” như ngày hôm nay. Ngay sau đó, vào cuối năm 2022, FutureLearn đã được Tập đoàn GUS mua lại.
Làn sóng này cũng lan rộng sang châu Á, nhất là Ấn Độ, một trong những quốc gia có tốc độ phát triển EdTech nhanh, mạnh nhất. Đơn cử, công ty EdTech Unacademy, Ấn Độ, đã cắt giảm nhân sự 3 đợt trong năm 2022 với số lượng nhân viên bị sa thải lên đến 1.500 người.
Ngoài lý do là ảnh hưởng của làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ, việc các công ty EdTech sa thải nhân sự còn chịu ảnh hưởng do tốc độ tăng trưởng chậm lại khi người học trở lại trường.
Các công ty EdTech được rót vốn và đầu tư mạnh trong năm 2020, 2021, khi các trường học tạm đóng cửa, học sinh học trực tuyến và học online trở thành xu hướng. Giờ đây, mức tăng trưởng chậm lại, để tiếp tục duy trì hoạt động, họ buộc phải sa thải nhân sự hàng loạt.
Để duy trì sự ổn định, nhiều công ty EdTech đang làm mới hoạt động. Đơn cử, công ty EdTech Outschool tập trung vào dạy thêm để bù lấp lỗ hổng kiến thức do dịch Covid-19 gây ra. Công ty New Oriental, Trung Quốc, hướng đến tệp khách hàng là sinh viên, người lớn cần học bổ túc, học tiếng Anh thay vì nhóm khách hàng là học sinh phổ thông.
Thực tập sinh là nhóm đầu tiên chịu ảnh hưởng từ làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ. Ảnh: INT |
Bất chấp những đợt sa thải gần đây, trên thực tế, các công ty công nghệ có nhu cầu tuyển dụng vẫn còn rất nhiều. Theo dữ liệu từ báo cáo việc làm công nghệ vào tháng 1/2022 của Tập đoàn CompTIA, dù tin tuyển dụng trong ngành giảm nhẹ, số lượng các vị trí tuyển dụng vẫn tương đương với cùng kỳ năm 2018.
Chỉ các công ty công nghệ lớn đã giảm nhu cầu tuyển dụng còn thị trường việc làm trong nhiều lĩnh vực khác vẫn sôi động như chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, tài chính...
Nhiều sinh viên tốt nghiệp đã suy nghĩ lại về triển vọng nghề nghiệp và dần chấp nhận thực tế này. Họ cũng chuyển sang các công việc không thuộc lĩnh vực công nghệ nhưng có nhu cầu về công nghệ thông tin như sản xuất, tự động hóa, nghiên cứu khoa học... Nhiều người quyết định học lên cao hơn để chuẩn bị tốt nhất cho thị trường việc làm trong thời gian tới.
Dù vẫn còn lo lắng về triển vọng việc làm, Eva Xie đã tìm cách giải quyết từ cú sốc mà Meta mang lại. Trước đây, nữ sinh chưa bao giờ đặt câu hỏi về tương lai hay công việc nào sẽ mang lại giá trị đích thực cho bản thân và xã hội. Nữ sinh chỉ biết rằng trúng tuyển vào một công ty công nghệ lớn là điều mà các sinh viên MIT khác sẽ thực hiện.
Giờ đây, Eva Xie đang lên kế hoạch theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu Khoa học thần kinh máy tính và Công nghệ máy học. Nữ sinh dự định sẽ học lên thạc sĩ sau khi tốt nghiệp. Một số bạn bè của Eva Xie chuyển sang làm công nghệ thông tin trong các lĩnh vực khác như bất động sản, thương mại hay chăm sóc sức khỏe...
“Trong cuộc sống thực, kỹ năng mềm, nền tảng kỹ thuật và khả năng học hỏi chính là những điều quan trọng đối với một người lao động. Công việc chỉ là một trong những điều chúng ta muốn đạt được trong sự nghiệp của mình”, Eva Xie cho biết.
Ngoài ra, sinh viên hiện nay không đơn độc. Nhiều trường đại học đang tích cực hỗ trợ sinh viên vượt qua làn sóng sa thải quy mô lớn này, khi tìm việc làm ngày càng trở nên khó khăn. Một trong những biện pháp phổ biến nhất là khuyến khích sinh viên chuyển hướng sang các công ty công nghệ nhỏ hoặc trong các lĩnh vực như sản xuất, hành chính công...
Bà Sue Harbor, Hiệu trưởng Trường Đại học California tại Berkeley (Mỹ), cho biết: “Thị trường việc làm vẫn còn nhiều cơ hội cho sinh viên. Nhà trường tăng cường hỗ trợ sinh viên trau dồi kỹ năng để các em có thể làm việc trong những môi trường khác nhau. Chúng tôi không cắt giảm kỳ vọng của sinh viên mà điều chỉnh kỳ vọng của các em”.
Đối với sinh viên nước ngoài tại Mỹ, việc thích nghi với triển vọng của các công ty công nghệ lớn khó khăn hơn bởi ngoài tìm được một công việc, đây sẽ là “tấm vé” đảm bảo cho việc ở lại nước ngoài của du học sinh. Tuy nhiên, khi bị sa thải khỏi các công ty công nghệ, nhiều sinh viên sẽ phải trở về nước sau khi tốt nghiệp.
Làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ nói chung đã mang lại một điểm nhìn mới cho người trẻ, nhất là sinh viên sắp tốt nghiệp. Họ không chỉ thấy vẻ hào nhoáng của các công ty công nghệ, mà còn điểm không chắc chắn, không đáng tin cậy, thiếu công bằng... Từ đó, nhiều sinh viên cũng quan tâm hơn đến các công việc mang tính ổn định.
Theo cuộc khảo sát của tổ chức giáo dục Handshake vào năm 2022, 73% sinh viên khóa 2022 - 2023 trả lời muốn tìm kiếm công việc ổn định, cao gấp đôi số người lựa chọn công việc tại công ty có danh tiếng hoặc lĩnh vực đang phát triển nhanh như công nghệ... Khảo sát nhận định, trong giai đoạn xáo trộn hiện nay, những người trẻ vốn gắn với đặc điểm “dám nghĩ dám làm” đang dần giống với các thế hệ cũ khi hướng đến hai từ “ổn định”.