Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức tiết dạy Chuyên đề Thành phố

Hải Danh | 07/10/2022, 20:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Ngày 7/10, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức tiết Chuyên đề hoạt động dạy học môn Khoa học tự nhiên (KHTN) lớp 6 và Ngữ Văn lớp 7 theo chương trình GDPT 2018.

thcs-giang-vo-1.jpg
Tiết Chuyên đề hoạt động dạy học môn Khoa học tự nhiên lớp 6 và Ngữ Văn lớp 7 theo chương trình GDPT 2018 được tổ chức tại trường THCS Giảng Võ.

Về dự và chỉ đạo có ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Văn Thư - Chuyên viên của Bộ GD&ĐT và ông Trần Đăng Nghĩa - Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông Sở GD&ĐT Hà Nội.

Tham dự Chuyên đề có các cán bộ quản lý, tổ trưởng, tổ phó phụ trách môn Ngữ văn, KHTN của 14 trường THCS trên địa bàn quận.

_mg_3790.jpg
Bài giảng Thực hành đo khối lượng (tiết 2) của cô giáo Lê Thị Loan – Giáo viên dạy KHTN của trường THCS Giảng Võ.

Bài giảng Thực hành đo khối lượng (tiết 2) của cô giáo Lê Thị Loan – Giáo viên dạy KHTN của trường THCS Giảng Võ đã phát huy năng lực tính tính toán, chủ động, sáng tạo của các em học sinh lớp 6A10.

“Tiết học hôm nay tập trung chính vào năng lực tìm hiểu KHTN là đo khối lượng của vật bằng cân. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, thực hành, các em sẽ tự rút ra được những thao tác sai từ đó điều chỉnh. Đồng thời, các em sẽ hiểu cách thức để đo được khối lượng chính xác nhất của một vật bằng cân và giảm đi sự sai số.

thcs-giang-vo.jpg
Các học sinh tích cực tham gia và nhận các phần quà với những câu trả lời đúng.

Xuyên suốt các tiết dạy, tôi luôn soạn bài và xây dựng các phương pháp dạy học tích cực nhằm nâng cao việc tôn trọng các con đúng với thông điệp của nhà trường năm học 2022-2023 - học sinh sẽ được phát triển nhân cách và trưởng thành trong sự tôn trọng. Thông qua tiết học, tôi cũng mong rằng các em có thể áp dụng những kiến thức được học vào thực tế”, cô Loan chia sẻ.

_mg_3824.jpg
Học sinh trả lời các câu hỏi thông qua thẻ mã hóa.

Chia sẻ về việc áp dụng phần mềm Pliker trong giảng dạy, cô giáo Lê Thị Loan cho biết, mỗi học sinh sẽ được mã hóa thông tin trên một tấm thẻ, học sinh chỉ cần giơ thẻ lên là giáo viên có thể nắm bắt và kiểm tra được tất cả các câu trả lời của các bạn ở trong lớp. Đây là một trong những giải pháp công nghệ thuận tiện cho việc giảng dạy và kiểm tra của giáo viên.

_mg_3899.jpg
Cô giáo Nguyễn Hạnh Lê – Giáo viên dạy Văn của trường THCS Giảng Võ với tiết dạy Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học.

Tiết dạy Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học (tiết 1) do cô giáo Nguyễn Hạnh Lê – Giáo viên dạy Văn của trường THCS Giảng Võ đã đem đến các em học sinh lớp 7A19 những kiến thức về viết một bài văn và rèn luyện 4 năng lực nghe, nói, đọc, viết.

“Các em biết cách đọc lướt, đọc kỹ để tìm kiếm những thông tin mình cần trong một văn bản. Sau đó, biết cách để tạo lập một văn bản mới theo đúng thể thức, yêu cầu. Bên cạnh đó, các em còn học được kỹ năng nói, kỹ năng thuyết trình sao cho rõ ràng, mạch lạc. Đặc biệt, các em sẽ biết lắng nghe, nhận xét, góp ý bài làm của các bạn một cách chân thành và mang tính xây dựng.

_mg_3946.jpg
Các em học sinh tích cực tham gia thao luận và thực hiện các hoạt động, trò chơi trong tiết dạy.

Từ những bài học của nhân vật trong tác phẩm, các em sẽ học tập được các đức tính tốt như: sống can đảm, yêu thương và biết tôn trọng sự khác biệt. Tôi cũng mong rằng các em sẽ biết sử dụng những năng lực, kiến thức đã thu nhận được để vận dụng làm các bài tập ở trong nhà trường. Trong tương lai, mong rằng các em có thể kết nối được những tri thức này với cuộc sống để tạo ra các bài bình luận sách, viết blog cá nhân hay review nhân vật, phim ảnh…”, cô Lê chia sẻ.

_mg_3955.jpg
Không khó để bắt gặp những nụ cười trên môi các học sinh tham dự các tiết Chuyên đề.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD&ĐT đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch bài dạy, lựa chọn các phương tiện dạy học, học liệu,… của các giáo viên tham gia giảng dạy.

“Trong tiết dạy, các em học sinh đều rất hăng hái tham gia nhiệm vụ, trò chơi và tích cực xung phong giải các câu đố. Tuy nhiên, một số phần trong bài giảng đang nhiều hơn so với mức cần thiết. Vì vậy, trong thời gian tới, các thầy cô cần lưu ý, tính toán kỹ lưỡng khi xây dựng kế hoạch bài dạy.

_mg_4024.jpg
Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành tại buổi thảo luận sau các bài giảng.

Cần bám sát với mục tiêu của nội dung bài học và đúng yêu cầu của chương trình, đặt câu hỏi rõ ràng và cho học sinh có đủ thời gian tư duy, suy nghĩ để thực hiện nhiệm vụ được giao”, ông Thành nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GDĐT cũng cho biết, trong việc triển khai chương trình GDPT 2018 các nhà trường cần xây dựng kế hoạch giáo dục, phân phối chương trình sao cho phù hợp nhất với ngũ đội ngũ giáo viên của trường, đặc biệt là với một số môn ít giáo viên...

Tại buổi thảo luận sau các bài giảng, các tiết dạy Chuyên đề được đại biểu của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT cùng các cán bộ quản lý, tổ trưởng, tổ phó phụ trách môn Ngữ văn, KHTN của các trường THCS trên địa bàn quận đánh giá có hiệu quả cao và đã mang đến cho học sinh các kiến thức cần thiết.

Bài liên quan
Trường THCS Giảng Võ - Ngôi nhà thứ hai và những mùa quả ngọt
(GDTĐ) - Ngôi trường nhỏ đơn sơ nằm bên hồ nước xanh trong, Trường THCS Giảng Võ giờ đã "cất cánh" vươn lên, giữ vị trí hàng đầu trong ngành giáo dục Thủ Đô.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức tiết dạy Chuyên đề Thành phố