Nếu có chiến lược đúng đắn, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hệ thống khoa học và công nghệ cả nước.
Ngày 18/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo "Định hướng chuyển đổi số của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời gian tới" với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành về công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại Việt Nam.
Tại hội thảo, TS. Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, hiện nay số lượng tài liệu, dữ liệu về tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội rất lớn, là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá không chỉ của hệ thống Liên hiệp Hội mà còn đối với cả quốc gia.
Có những thông tin, tài liệu, dữ liệu đã được số hóa trong quá trình xây dựng Cổng thông tin điện tử Liên hiệp Hội trước đây, có những thông tin, dữ liệu đã được cập nhật, số hóa trong những năm gần đây, là những cơ sở dữ liệu ban đầu khi thực hiện chuyển đổi số tại Liên hiệp Hội.
Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ thông tin của Liên hiệp Hội còn thiếu, chưa đủ điều kiện để kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia. Liên hiệp Hội cũng chưa có chiến lược hoặc kế hoạch chuyển đổi số từ nay đến năm 2030; chưa có khảo sát, đánh giá thực trạng công tác chuyển đổi số tại các Liên hiệp hội tỉnh, thành phố, các hội ngành toàn quốc, các đơn vị sự nghiệp và tổ chức KH&CN trực thuộc.
Ông Lê Công Lương đề nghị xây dựng đề án chuyển đổi số của Liên hiệp Hội Việt Nam giai đoạn 2025-2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, trong đó có một số nội dung cần được quan tâm nghiên cứu triển khai.
Cụ thể như: Số hóa và quản lý dữ liệu các hội thành viên, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức KH&CN và đội ngũ trí thức KH&CN trong hệ thống; số hóa và quản lý cơ sở dữ liệu chuyên gia tham gia các hoạt động tư bấn phản biện giám định xã hội, nghiên cứu khoa học, phổ biến kiến thức...
Đồng quan điểm, PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số cho rằng, Liên hiệp Hội Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực và dữ liệu đa dạng, đủ để trở thành tổ chức tiên phong trong chuyển đổi số.
Một số hội thành viên như Hội Tin học Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này, trở thành mô hình tham khảo cho các đơn vị khác.
PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh đề ra một số sáng kiến để chuyển đối số toàn diện Liên hiệp Hội Việt Nam. Theo đó, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung từ thông tin hội viên, tổ chức đến các dự án khoa học, tạo nền tảng dữ liệu vững chắc để phục vụ các hoạt động chuyên môn. Ứng dụng AI và Big Data để hỗ trợ phân tích dữ liệu và tổ chức các diễn đàn phản biện trực tuyến, nâng cao hiệu quả giám định xã hội. Phát triển hệ thống lưu trữ tài liệu nghiên cứu, bài giảng trực tuyến và nền tảng e-learning, đưa kiến thức khoa học tới gần hơn với cộng đồng...
Trong khi đó, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp nhấn mạnh vào vai trò của lãnh đạo và văn hóa số trong thành công của chuyển đổi số. Ở mọi cấp độ, lãnh đạo là người truyền cảm hứng và định hình tư duy số cho toàn bộ tổ chức, từ cán bộ quản lý đến nhân viên.
"Xây dựng văn hóa số không thể tách rời việc đảm bảo an toàn và đạo đức số. Mỗi tổ chức cần có các chính sách rõ ràng để bảo vệ quyền riêng tư và khai thác dữ liệu một cách trách nhiệm", ông Lê Doãn Hợp lưu ý.