Giáo dục liêm chính

Số phận lao đao của một số 'cá mập' trong Shark Tank

25/06/2024 14:20

Nổi tiếng trong giới kinh doanh, nhiều "cá mập" trong chương trình Shark Tank Việt Nam đang từ đỉnh cao sự nghiệp bỗng liên tiếp dính lùm xùm, thua lỗ, có người còn vướng vòng lao lý.

Shark Tam: Từ hình mẫu khởi nghiệp đến lùm xùm trốn thuế

Ông Phạm Văn Tam thành lập Tập đoàn Asanzo từ cuối năm 2013. Asanzo kinh doanh sản phẩm đầu tiên là tivi, sau này mở rộng thêm các ngành hàng điện lạnh, điện gia dụng, smartphone và các mặt hàng điện tử khác.

Nhưng tivi vẫn luôn là sản phẩm chủ lực của thương hiệu này. Với lợi thế giá rẻ và mang danh thương hiệu Việt, tivi Asanzo phủ sóng một cách thần tốc trên thị trường nội địa.

Đến năm 2019, khi trở thành một trong các "cá mập" tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 3, ông chủ Asanzo được biết đến rộng rãi hơn.

Thời điểm đó, cái tên Shark Tam nổi đình đám, phủ kín các mặt báo với gương mặt một doanh nhân trẻ trung, năng động, hình mẫu thành công trong giới khởi nghiệp ở Việt Nam. Đây cũng là khoảng thời gian thương hiệu Asanzo tăng trưởng thần tốc.

Thương hiệu này gần như sánh vai với các hãng tivi ngoại khác có mặt tại thị trường Việt Nam. Đến giữa năm 2019, Asanzo chỉ xếp sau các ông lớn tivi như Samsung, LG và Sony về thị phần.

Giữa lúc thương hiệu Asanzo và tên tuổi ông Tam nổi đình đám trong giới kinh doanh, Shark Tam dính tai tiếng liên quan tới nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Sau đó, Asanzo dính lùm xùm với Sharp Việt Nam. Tới cuối tháng 11/2019, Sharp Việt Nam gửi đơn tới 5 bộ tố cáo hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật của Asanzo.

Shark Tam nổi đình đám trong giới kinh doanh với thương hiệu tivi Asanzo. Ảnh: ĐN

Shark Tam nổi đình đám trong giới kinh doanh với thương hiệu tivi Asanzo. Ảnh: ĐN

Hồi cuối tháng 10/2019, Tổng cục Hải quan ban đầu xác định Asanzo có dấu hiệu "lừa dối người tiêu dùng", quy trình lắp ráp một số sản phẩm của Asanzo không đúng như quảng cáo. Asanzo không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các doanh nghiệp trong nước rồi lắp ráp thủ công, cho nên việc sử dụng cụm từ "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" không đúng với thực tế... Những linh kiện trên chủ yếu được một số doanh nghiệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi bán lại cho Asanzo.

Về thuế, theo kết luận Thanh tra thuế hồi giữa tháng 10/2019 của Cục Thuế TP.HCM và các hồ sơ liên quan cho thấy Asanzo thành lập 19 công ty liên kết do gia đình và nhân viên đứng tên để nhập hàng về bán lại cho Asanzo. Mua "linh kiện" nhưng Asanzo lại ghi nội dung hóa đơn là "mặt hàng thành phẩm" để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt, sau đó bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn.

Cục Thuế TP.HCM sau đó có quyết định xử phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo tổng cộng 47,6 tỷ đồng.

Ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can đối với ông Tam về tội trốn thuế.

Ngoài ra, ông Tam còn sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp là hơn 15,7 tỷ đồng.

Shark Thuỷ: Loạt thương vụ triệu USD, nhấn chìm bởi nợ nần, bị bắt

Trong nhiều năm liền, ông Nguyễn Ngọc Thủy nổi như cồn trong giới đầu tư khi tham gia Shark Tank Việt Nam 3 mùa đầu tiên và gắn với biệt danh Shark Thủy. Hàng loạt thương vụ đầu tư vào các công ty trên truyền hình đã làm nên tên tuổi của doanh nhân này.

Nhiều triệu USD đã được bơm vào các dự án, nhưng hầu hết không có kết quả gì, đặc biệt sau 2 năm Covid. Điều đọng lại là tên tuổi của Shark Thủy gắn với các thông tin 'đòi nợ'.

Thành công lớn nhất của Shark Thủy có lẽ là xây dựng được chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn nhất Việt Nam: Apax English và EnglishNow.

Shark Thủy nổi tiếng sau khi tham gia Shark Tank Việt Nam 3 mùa đầu tiên.

Shark Thủy nổi tiếng sau khi tham gia Shark Tank Việt Nam 3 mùa đầu tiên.

Trong một thời gian dài, Apax English và EnglishNow được xem là “gà đẻ trứng vàng” của Apax Holdings (IBC) - một thành viên trực thuộc Tập đoàn Egroup của Shark Thủy. Tới cuối năm 2022, Shark Thủy sở hữu 6,17% vốn IBC, trong khi Egroup nắm gần 16,8%.

Những năm trước dịch, Apax Holdings có giai đoạn tăng trưởng nóng, liên tục mở trung tâm, trở thành chuỗi tiếng Anh lớn nhất Việt Nam.

Nhưng sau dịch Covid-19, hàng loạt trung tâm Anh ngữ Apax Leaders bị giáo viên tố nợ lương, trong khi phụ huynh dồn dập đòi tiền.

Năm 2022, IBC vẫn ghi nhận doanh thu tăng nhưng đã bắt đầu lỗ ròng. Nợ nần tăng nhanh.

Không chỉ IBC lỗ và nặng nợ, Egroup của Shark Thủy cũng mắc nợ trái phiếu và không có khả năng thanh toán.

Apax Holdings của Shark Thủy thêm phần khó khi lấn sân sang bất động sản. Thị trường bất động sản trầm lắng và gần như đóng băng từ năm 2022 tới nay đẩy không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

Ngày 25/3, Shark Thủy bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Shark Khải vi phạm đạo đức kinh doanh rồi "lặn mất tăm"

Ông Hoàng Khải được chương trình Shark Tank Việt Nam công bố là 1 trong 4 nhà đầu tư khách mời (mùa 1) nhưng sau đó đã không tham gia vì lý do cá nhân.

Giai đoạn khởi động mùa 1, rất nhiều khán giả còn nhớ đến thông điệp của Shark Khải về triết lý kinh doanh như: “Tôi kinh doanh với một tấm lòng trung thực và theo suy nghĩ của riêng tôi thì lòng đố kỵ sẽ phải gục ngã trước sự trung thực”. Hay “Trong kinh doanh đôi khi không được tham… Và vì sao không được tham? Là vì không bao giờ nên lấy những mục tiêu ngắn hạn mà làm sao nhãng đi những mục tiêu dài hạn”.

Từng nhiều lần lên tiếng về triết lý kinh doanh nhưng ông Khải đã dính vào nghi án bán hàng Trung Quốc nhưng lại gắn mác "made in Vietnam”.

Ông chủ thương hiệu Khaisilk nổi tiếng một thời. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Ông chủ thương hiệu Khaisilk nổi tiếng một thời. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Ông Khải được biết đến là người đã gây dựng "đế chế" Khaisilk. Được định vị là sản phẩm cao cấp, thương hiệu lụa Khaisilk đã nhanh chóng tạo dựng danh tiếng, đặc biệt với khách du lịch nước ngoài.

Không chỉ sở hữu thương hiệu khăn tơ lụa Khaisilk, ông Khải còn được biết đến là chủ nhân của hàng loạt dự án bất động sản và chuỗi nhà hàng cao cấp tại TP.HCM. Ông chủ Khaisilk từng sở hữu khối bất động sản có giá trị hàng triệu USD.

Tuy nhiên, vào năm 2017, thương hiệu lụa Khaisilk dính scandal gian lận "hàng Tàu - nhãn Việt" khiến thương hiệu này rơi vào khủng hoảng, bị người tiêu dùng tẩy chay.

Ngày 25/10/2017, ông Khải chính thức thừa nhận có bán hàng tơ lụa xuất xứ từ Trung Quốc và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng. Ngày 14/12/2017, ông Khải rút khỏi vị trí người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức - doanh nghiệp hạt nhân của hệ thống Khaisilk.

Bất ngờ hơn, sau khi ông chủ thương hiệu lụa Khaisilk thừa nhận bán lụa Trung Quốc, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra còn phát hiện khăn lụa Khaisilk không có thành phần lụa như công bố trên sản phẩm là 100% thành phần lụa.

Theo kết luận của Bộ Công Thương, doanh nghiệp này đã vi phạm loạt dấu hiệu liên quan tới bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm luật về quản lý thuế, hóa đơn,...

Vụ bê bối này đã đánh sập hoàn toàn thương hiệu lụa Khaisilk nổi tiếng một thời. Bản thân ông Khải cũng “im hơi lặng tiếng” từ đó đến nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Số phận lao đao của một số 'cá mập' trong Shark Tank