Trong khi đó, ý tưởng gây hại trở nên bất thường khi người trẻ nhận thấy, đó là cách duy nhất thoát khỏi khó khăn.
“Đó chỉ là suy nghĩ, cảm xúc ở ngay thời điểm ấy, có thể chỉ kéo dài vài giờ. Sau đó, bạn có thể cảm thấy rất khác, vượt qua điểm trũng của cảm xúc. Hãy trì hoãn mọi quyết định gây hại với bản thân.
Thay vào đó, dành thời gian nghĩ về việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ đâu, nhận sự giúp đỡ từ người đó thế nào. Loại bỏ mọi thứ xung quanh có thể gây hại. Để tất cả dụng cụ gây hại vào trong hòm kín rồi khoá lại, đưa cho người thân. Tránh ở một mình, để khi suy nghĩ tiêu cực giảm”, PGS.TS Trần Thành Nam gợi ý.
Chuyên gia này nhấn mạnh, để đối mặt với khó khăn, chông chênh, không phải cá thể mạnh nhất, thông minh nhất sẽ tồn tại. Thực tế, những người thích ứng tốt nhất với sự thay đổi mới có thể tồn tại và thành công.
Để có năng lượng phục hồi tốt, cần cân bằng 4 trụ cột
- Trước hết là sức khoẻ thể chất. Cần có lối sống tốt, phát triển mối quan hệ xã hội tốt, gắn bó tin tưởng nhau, tìm bạn tri kỷ, phát triển đời sống cảm xúc tốt.
- Học quản lý cảm xúc, phát triển lòng tự trọng, trì hoãn ham muốn có hại cho sức khoẻ, phát huy khiếu hài hước, tinh thần lạc quan, xây dựng năng lượng tư duy logic, giải quyết vấn đề.
- Xác định lại mục đích ý nghĩa của cuộc sống, suy nghĩ xem 5 năm tới muốn trở thành người thế nào. Xác định điểm mạnh của bản thân cũng như cách sử dụng nó. Lên kế hoạch tập thể dục đều đặn, tăng cường chất lượng giấc ngủ.
- Có kỹ năng kiểm soát suy nghĩ tiêu cực, lạc quan, thực tế hơn. Trong đó, nên có chiến lược thư giãn phù hợp. Nếu có thể, hãy tiếp xúc với tấm gương vượt khó, con người truyền cảm hứng.