Sống ở đáy sông: Chuyện của ngư phủ già

03/02/2024, 14:15
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cuộc đời anh hùng sông nước của ông là dãy dài những sự kiện oai hùng mà ghê rợn. Nay, dù đã ngót nghét 70 tuổi, người đàn ông ấy vẫn tiếp tục giúp người sống được thanh thản và người mất được nhắm mắt xuôi tay...

Lần vớt tử thi ám ảnh nhất của ông Hùng là vào năm 1995, trong một vụ đắm đò kinh hoàng khiến hơn 30 người chết trên đoạn sông Hồng qua phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ông kể, khi đang tìm điểm buộc dây cáp để máy cẩu kéo đò lên, bỗng dưng ông thấy nhồn nhột ở mặt do bị những sợi gì đó mềm, mỏng cọ vào. Thì ra ông đang ở khoang hành khách, và những sợi đó chính là tóc của các nạn nhân! Tóc rất nhiều, vướng cả vào tay và chân ông. Ông biết mình đang bị vây quanh bởi rất nhiều phụ nữ xấu số đang trôi nổi. “Nói thật, lúc đó tôi cũng thấy hoảng vì chưa bao giờ thấy nhiều người chết như thế. Sờ đâu cũng thấy người chết. Phải một lúc sau, tôi mới trấn tĩnh lại rồi tìm được đường thoát ra ngoài để buộc dây cáp kéo đò lên”, ông Hùng nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Hùng bên bờ sông Hồng

Ông Nguyễn Văn Hùng bên bờ sông Hồng

“Tôi mang ơn những người đã khuất”

Không phải cứ đưa được tử thi lên bờ là xong việc. Ông Hùng trầm ngâm nói: “Con người luôn có hai phần là phần xác và phần hồn, phải lo chu toàn cả hai phần thì mới gọi là tròn trách nhiệm”. Thì ra, có một số quy tắc về mặt tâm linh mà những người như ông Hùng phải tuân theo. Đầu tiên, cấm kỵ việc buộc dây thừng vào cổ để kéo tử thi lên. Thứ hai, tuyệt đối không nổi lòng tham lấy đi bất cứ vật gì trên người xấu số. Người chết nơi sông nước thường chân tay sẽ dang rộng, rất khó để đặt vào quan tài. Để làm cái nghĩa tận cùng cho họ, ông Hùng lấy rượu trắng ngâm với gừng tươi giã nhỏ thoa đều lên các khớp. Một lúc sau chân tay họ sẽ mềm ra, có thể khép lại để thay quần áo và nhập quan được.

Trước khi nhập quan, ông Hùng phải đọc một bài văn khấn cầu cho vong linh người mất được siêu thoát.

Sau mỗi lần vớt tử thi, ông Hùng thường được gia đình nạn nhân cảm ơn bằng một khoản tiền. Ít thì vài triệu, nhiều thì vài chục triệu, và cũng có gia đình không cảm ơn gì cả. Nhưng, ông coi đó cũng là chuyện thường.

Trong dân gian vẫn có người coi việc ông Hùng làm là chẳng khác nào đi “cướp cơm” của hà bá, sớm muộn cũng gặp quả báo. Nhưng sau hàng chục năm, quả báo đâu chẳng thấy, chỉ thấy hai lần ông đã thoát chết trong gang tấc. Lần đầu tiên là hơn chục năm trước, khi ông hỗ trợ trục vớt một đoạn cầu phao bị chìm dưới đáy sông Hồng. Hôm ấy, ông Hùng lặn xuống, chui vào cầu phao qua lỗ thủng, đặt đầu ống nối với một máy bơm hút cát. Khi cát và nước được hút hết ra, cầu phao sẽ nổi lên. Nhưng chưa hút được bao nhiêu, một đợt cát không biết từ đâu tới ập xuống, bịt kín đường thoát duy nhất của ông Hùng, giam lỏng ông dưới độ sâu khoảng hai chục mét. Chẳng còn cách nào ngoài việc dùng tay bới cát để chui ra ngoài. Ông Hùng bới, bới mãi, bới trong vô vọng, đến khi gần như ngất đi vì kiệt sức, ông mới thoát được ra ngoài. Ông bảo, chỉ cần thêm 2 phút nữa thôi, là ông cùng cái cầu phao nằm lại dưới đáy sông rồi. Và lần thứ hai là vài năm trước, khi ông đã tạm chiến thắng căn bệnh ung thư dạ dày sau nhiều năm chống chọi.

Giờ đây, mỗi khi được nhờ, ông Hùng vẫn lặn tìm tử thi dưới đáy sông Hồng, dù đã ngót nghét 70.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/song-o-day-song-chuyen-cua-ngu-phu-gia-c46a1541397.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/song-o-day-song-chuyen-cua-ngu-phu-gia-c46a1541397.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sống ở đáy sông: Chuyện của ngư phủ già