Thận trọng luyện thi chứng chỉ quốc tế
Cô Đinh Thị Bích Liên, Tổ phó Tổ Ngoại ngữ Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp, cán bộ cốt cán môn Tiếng Anh của quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) với kinh nghiệm 29 năm trong nghề, cho biết: Thực chất bài thi IELTS là kiểm tra tư duy lập luận, tư duy phản biện và kiểm tra một khối lượng từ vựng tương đối học thuật, không phải là những từ vựng đơn thuần trong giao tiếp. Ví dụ, trong kỹ năng viết có dạng bài đòi hỏi học sinh phải có tư duy phê phán theo kiểu văn nghị luận về những vấn đề mới, nóng mà xã hội đang quan tâm.
Trong khi đó, lên lớp 8 học sinh mới bắt đầu làm quen với văn nghị luận. Do đó, nhiều học sinh học ở các trung tâm luyện thi IELTS đều theo kiểu văn mẫu, đối phó, thuộc vẹt mà không hiểu bản chất của vấn đề. Hệ quả là học trò mất đi tính sáng tạo, tìm tòi, tự nhận thức về vấn đề xung quanh mình. Chưa kể, các em luôn nghĩ rằng: Mình biết rồi, mình nắm được rồi, dẫn đến không có thói quen cập nhật, trau dồi, bổ sung kiến thức xã hội mà mình cần.
Ở Lômônôxốp, học sinhTHCS chỉ dừng ở mức độ tiền IELTS để chuẩn bị cho kiến thức nền sau này lên THPT, giúp các em đủ nhận thức luyện IELTS một cách chính thống, vì chứng chỉ IELTS chỉ có hiệu lực trong vòng 2 năm. Để xét điểm đại học, các em nên thi vào cuối lớp 11 là hợp lý nhất. Lứa tuổi THCS chỉ nên tham gia vào các khóa bổ sung thêm về kỹ năng, như tranh biện, tiếng Anh giao tiếp, KET, PET… Ngoài ra, các em cần học thật chắc ngữ pháp ở THCS.
“Xin nêu lại quan điểm: Bố mẹ không nên cho con học và luyện thi IELTS quá sớm. IELTS là một kỳ thi có liên quan rất nhiều đến kiến thức xã hội, nên hãy trang bị mọi điều kiện cần và đủ trước khi cho con tham gia kỳ thi này. Chưa kể, mỗi khóa luyện thi IELTS lại khá đắt đỏ” - cô Đinh Thị Bích Liên đưa lời khuyên.
ThS Nguyễn Thị Huyền Châu, giảng viên tiếng Anh, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, cũng cảnh báo, việc cho trẻ học IELTS sớm là không cần thiết. Lý do, bài thi IELTS mang tính học thuật cao, đòi hỏi trẻ có một kiến thức nền và hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống (kinh tế, khoa học, xã hội...) - vượt xa so với khả năng của trẻ. Thứ nữa, do trẻ chưa có nhiều kiến thức nền, việc luyện thi nhằm đạt được mục đích của cha mẹ là con được tuyển thẳng vào các trường vô tình gây áp lực lên trẻ; chưa kể không phải trẻ nào cũng có khả năng học ngôn ngữ và điều kiện để tham gia các lớp luyện thi.