Bức thư gửi cô giáo cũ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết tay bằng mực xanh, rất ngắn gọn, giản dị nhưng sâu sắc và ân tình.
Cô giáo Đặng Thị Phúc là giáo viên dạy tiểu học của Tổng Bí thư, cũng là người mà Tổng Bí thư đã cất công tìm kiếm rất lâu. Khi tìm lại được cô, Tổng Bí thư đã trực tiếp đến tận nhà thăm hỏi và thường gửi thư kính thăm mỗi dịp Lễ, Tết hàng năm.
Bức thư giản dị nhưng chứa đầy ân tình được Tổng Bí thư viết, gửi cô giáo cũ vào dịp đón Xuân Kỷ Hợi 2019. Bức thư viết:
“Kính thưa cô giáo Đặng Thị Phúc, nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Kỷ Hợi 2019 - em xin có mấy lời kính thăm Cô và gia đình.
Kính chúc Thày Cô sang năm mới sức khỏe, trường thọ; chúc toàn thể gia đình an khang, mọi việc hanh thông, tốt đẹp, có nhiều niềm vui mới".
Cuối bức thư đề giản dị “Học trò cũ của cô”, kèm lời tri ân: “Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được Cô dạy bảo”.
Có lẽ, đối với cô giáo Đặng Thị Phúc cũng như tất cả những thầy cô giáo đã từng đứng trên bục giảng, dù học trò đã khôn lớn và trưởng thành bao nhiêu, thì hình ảnh được in dấu trong lòng thầy cô vẫn là những cô, cậu học trò nhỏ bé.
Và với mỗi thầy cô, thành công trong nghề không hẳn chỉ là có bao nhiêu học trò đỗ đạt, mà chính là đã đào tạo, bồi dưỡng được những học trò trưởng thành cả về sự nghiệp lẫn nhân cách; dù ở cương vị nào, làm gì, ở đâu, những học trò ấy luôn nhớ về thầy cô với những tình cảm trân quý, sự ghi ơn chân thành với công lao dạy dỗ.
Lá thư tay của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo cũ vừa là niềm tin, là sự động viên, khích lệ to lớn đối với Ngành, với các thầy giáo, cô giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc. Bởi vì, tấm lòng của Tổng Bí thư dành cho cô giáo lớp “vỡ lòng” của mình thuở nào là một minh chứng rõ ràng, mãnh liệt nhất về vai trò của thầy cô giáo đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của học trò; thông qua đó chính là góp phần xây dựng đất nước, phát triển xã hội.
Tình cảm ân tình của Tổng Bí thư dành cho cô giáo cũ thể hiện đạo lý tôn sư trọng đạo và truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Đồng thời, đó cũng là sự ghi nhận, khẳng định lớn lao mà không có bằng khen nào sánh được về vai trò, công lao to lớn của thầy cô giáo đối với sự phát triển của đất nước.
Bởi nếu không có sự dạy dỗ ân tình của cô giáo Đặng Thị Phúc ngày ấy, hẳn là chúng ta không có một Tổng Bí thư đầy trí tuệ, uyên bác, rất điềm đạm của một sĩ phu Bắc Hà; nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, luôn luôn nặng lòng vì tổ quốc, vì đất nước như hôm nay.
Cho nên, các thầy cô giáo hãy ấm lòng và vững tin, bởi vì ở bất cứ đâu trên mọi miền tổ quốc hôm nay đều có sự đóng góp dù nhỏ bé, thầm lặng của các thầy cô, từ dòng tri thức và những nỗ lực đào tạo, bồi dưỡng của các thầy cô đang thầm lặng chuyển hóa vào sự phát triển của nền kinh tế, sự phát triển của xã hội và đất nước thông qua các thế hệ học trò bước ra từ cánh cổng trường học.
Những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy bảo luôn được Tổng Bí thư trân trọng giữ mãi và được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong lòng, dù cho hôm nay, Người đang ở cương vị cao nhất của đất nước, trong bối cảnh đất nước bộn bề những gánh nặng phải lo toan, giải quyết.
Tấm lòng và sự ghi nhận ấy của Tổng Bí thư với cô giáo cũ chính là nguồn cảm hứng bất tận cho những người làm giáo dục tiếp tục cố gắng, phấn đấu miệt mài và bền bỉ, đóng góp sức mình cho sự phát triển của giáo dục nước nhà.
Những dòng thư tay của Tổng Bí thư khiến cho những người làm giáo dục đủ niềm tin rằng dẫu nhỏ bé, nhưng công lao giáo dục, dạy dỗ của mình đã góp phần tạo nên những nhân cách hoàn hảo, những con người đủ năng lực và đầy trách nhiệm với sự phát triển của đất nước.