Trong một bài viết trước đây, tôi đã có dịp nói về sự khác nhau cơ bản giữa thiên văn học và chiêm tinh học. Gần đây, do có một số ý kiến tranh luận về một bài viết không chính thức của tôi về quan điểm liên quan tới chiêm tinh học, tôi xin có một số phân tích chi tiết để bảo vệ quan điểm của mình về sự phản khoa học của chiêm tinh học.



Sự khác nhau của các ngày phân và chí giữa năm 1582 và 1583 do thay đổi qui ước của lịch. Ảnh chụp từ website Stellafane.org.


Theo trường phái chiêm tinh này, thì ngày Mặt Trời bắt đầu đi vào cung Aries là ngày xuân phân, như ngày nay chúng ta thấy là ngày 20 hoặc 21 tháng 3 (tùy tài liệu có sai số khác nhau). Ấy thế nhưng trong quá khứ, từ năm 1582 trở về trước thì ngày xuân phân lại không như vậy mà đã từng là những ngày khác. Vậy phải có ít nhất một trong hai hệ thống tính toán trước hoặc sau năm 1582 là sai.

Nếu các lá số được sử dụng trước năm 1582 là đúng, thì có nghĩa các lá số được lập lại là sai khi thay đổi qui ước theo qui ước mới của lịch. Ngược lại, nếu các lá số trước 1582 là sai, có nghĩa là không có cơ sở cụ thể cho khả năng tiên đoán của toàn bộ môn chiêm tinh học, và hiển nhiên các lá số sau năm 1582 như ngày nay các nhà chiêm tinh đang dùng là không đáng tin cậy.


Nghiên cứu và khảo sát khoa học bác bỏ chiêm tinh học
Dưới đây xin trích ra vài nghiên cứu điển hình của các nhà khoa học thế giới để điều tra độ chính xác của chiêm tinh học.

- Tiến sĩ Geoffrey Dean - nhà khoa học và thậm chí từng là một nhà chiêm tinh ở Úc, cùng Ivan Kelly - một nhà tâm lý học Canada đã lấy số liệu theo dõi hơn 2000 người của một nghiên cứu y học tại London với mục đích ban đầu là theo dõi tình trạng sức khỏe ảnh hưởng do hoàn cảnh sinh sản. Hơn 2000 người này sinh năm 1958 và tất cả đều chỉ sinh ra trong cùng khoảng thời gian cách nhau một vài phút, có nghĩa là theo chiêm tinh học thì họ phải có lá số rất giống nhau. Qua theo dõi mọi đặc tính gồm tính cách, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân, quan hệ xã hội, chỉ số thông minh, các nhà nghiên cứu không tìm ra bất cứ điểm tương đồng nào chiếm ưu thế ở 2000 con người này mặc dù các nhà chiêm tinh khẳng định trước đó rằng họ phải có lá số giống nhau. (Nguồn: Telegraph.co.uk)

- Shawn Carlson - nhầ vật lý tại phòng thí nghiệm Lawrence Berkeley đã đề nghị 26 nhà chiêm tinh được coi là rất có uy tín phát biểu suy đoán của họ về 265 người được cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết. Kết quả họ chỉ nói đúng khoảng 1 phần 3. Xét theo một khía cạnh nào đó, con số này không phải quá nhỏ, nhưng vẫn chỉ nói lên rằng đó là tỷ lệ của may rủi.

- Tiến sĩ Bernie Silverman ở đại học Michigan làm một khảo sát bằng cách xem hồ sơ đăng kí kết hôn của 2978 cặp và 478 hồ sơ li hôn. Ông so sánh với kết quả phán đoán theo chiêm tinh học và kết quả là trong số các cặp li hôn, số cặp được chiêm tinh coi là hòa hợp li hôn nhiều cũng ngang với các cặp không có biểu hiện gì đặc biệt hay thậm chí bị coi là xung khắc . (Nguồn: Truthmagazine.com)


Hiệu ứng Forer
Hiệu ứng này do nhà tâm lý học Bertram R. Forer bắt đầu nghiên cứu vào năm 1948 có liên quan tới việc xem chiêm tinh, tử vi, tướng số của con người. Nó giải thích tại sao một tỷ lệ rất lớn người ta thường cho rằng những gì mà chiêm tinh, tử vi ... đưa ra là đúng với mình.

Forer đưa cho nhiều sinh viên có ngày sinh rất khác nhau (tương ứng với lá số chiêm tinh khác nhau) cùng một nội dung chính xác (đã dịch ra tiếng Việt) như phía dưới và yêu cầu họ cho điểm về độ chính xác mà họ cảm thấy với bản thân mình.

"Bạn có nhu cầu rất lớn về việc mọi người thích và ngưỡng mộ bạn. Bạn có xu hướng quan trọng hóa bản thân mình. Bạn có nhiều khả năng không được sử dụng để tạo thế mạnh cho mình. Khi bạn có vài cá tính yếu thì bạn thường lấp liếm cho nó. Các yếu tố về giới tính gây ra vấn đề cho bạn. Bề ngoài rất kỉ luật và biết kiểm soát bản thân, nhưng thực chất bạn luôn lo lắng và cảm thấy không an toàn. Bạn hay tự hỏi mình có quyết định đúng hay đã làm đúng không. Bạn thích sự thay đổi nhất định và không hài lòng vưới những giới hạn. Bạn tự hào rằng mình là một người suy nghĩ độc lập và không chấp nhận những ý kiến không có bằng chứng xác đáng. Bạn cho rằng quá thẳng thắn bôc lộ mình với những người khác là điều không khôn ngoan. Nhiều lúc bạn rất hướng ngoại, niềm nở, hòa đồng trong khi lúc khác lại hướng nội, thận trọng , dè dặt. Một số mong muốn của bạn rất không thực tế. An toàn là một trong những mục tiêu chính của bạn."

Kết quả trung bình điểm mà các sinh viên này đánh giá là 4,26/5. Điều đó cho thấy có một lượng lớn các phát biểu mà luôn đúng với đám đông hay ít ra là đúng với tâm lý của họ tự nghĩ về mình.

Thí nghiệm này được lặp lại nhiều lần và gần đây là năm 2011 nó được áp dụng không còn cho cá nhân mà cho các tổ chức, và kết quả cũng tương tự.

(Nội dung hiệu ứng này được tham khảo tại Wikipedia (En))


Dưới góc nhìn của giáo dục và xã hội
Với những phân tích và bằng chứng nêu trên, tôi nghĩ mình không cần thêm bất cứ lí lẽ nào khác nữa.

Giờ đây tôi xin quay lại với mục đích của mình như đã nêu ở đầu bài viết. Tôi đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi cho rằng việc người dân hàng ngày xem và truyền miệng những câu chuyện về chiêm tinh chỉ là vui, là vô thưởng vô phạt.

Về một khía cạnh nào đó, tôi đồng ý với ý kiến này. Tuy vậy khi cái vô thưởng vô phạt, mà lại là cái vốn sai lệch, phản khoa học được truyền miệng không phải một vài lần mà là hàng ngày, hàng giờ; không chỉ ở các quán nước ven đường, các dòng tâm sự trên mạng xã hội mà đến các báo điện tử, các website nhận mình là khoa học cũng đưa lên thì nó không còn là "vô thưởng vô phạt" nữa, mà nó gây ảnh hưởng vô cùng trầm trọng tới nhận thức xã hội, nhất là với lớp trẻ. hãy tưởng tượng một xã hội toàn những con người bị ám ảnh hàng ngày bởi niềm tin vô căn cứ vào những điều họ đọc được ở khắp nơi, đánh mất niềm tin vào khoa học kĩ thuật, và sự phát triển thực tế của công việc, cuộc sống, hoàn cảnh xã hội. Một xã hội như vậy sẽ đi về đâu? Tôi đành xin đợi ý kiến từ các nhà giáo dục.

Tôi chỉ muốn nói: đầu độc nhận thức cũng là một tội ác. Nếu bạn là người có trí tuệ và lương tri, hãy ngừng tiếp tay cho tội ác, dù là từ những hành vi nhỏ nhất.


Cuối cùng, một lần nữa xin nhắc lại quan điểm cá nhân của tôi:

Với tôi thì chỉ có kẻ thiếu tự tin vào bản thân mới phải tìm kiếm chính mình trong những trò bói toán hay thậm chí mấy bộ phim, cuốn truyện. Những kẻ thiếu tự tin thường có tâm lý muốn được nghe ai đó nói về mình, tìm thấy cái gì đó trong đó làm mình hài lòng.

Chỉ có chính bạn mới biết mình là ai, mình như thế nào, mình muốn gì và những con người ra sao sẽ phù hợp với mình chứ không phải là một ai đó nói cho mà biết. Và muốn thành công trong cuộc sống thì chính bạn hãy tự cố gắng đi chứ đừng đợi những thứ vô căn cứ nói cho biết là khi nào bạn thành công.

Ngày 18 tháng 8 năm 2013
Đặng Vũ Tuấn Sơn
Chủ tịch VACA

Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn khi bạn sử dụng bài viết này.

Theo thienvanvietnam.org
https://thienvanvietnam.org/index.php?option=com_content&view=article&id=742:su-phan-khoa-hoc-cua-chiem-tinh-hoc&catid=9&Itemid=148
Copy Link
https://thienvanvietnam.org/index.php?option=com_content&view=article&id=742:su-phan-khoa-hoc-cua-chiem-tinh-hoc&catid=9&Itemid=148
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự phản khoa học của chiêm tinh học