"Viên uống chống nắng chỉ có tác dụng trong vài giờ đồng hồ (không quá 4 giờ), không phải uống một viên chống nắng sẽ có tác dụng chống nắng trong cả ngày", bác sĩ Thành nói.
Bác sĩ chuyên khoa da liễu, bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: K.M. |
Bác sĩ Tiến Thành cho rằng đến nay, không có biện pháp chống nắng đạt hiệu quả 100%. Viên uống chống nắng khiến nhiều người hiểu lầm rằng có tác dụng chống nắng tương tự kem chống nắng. Nhưng sự thật lại hoàn toàn khác.
- Kem chống nắng: Là một dạng chống nắng bằng cách tạo một lớp màng ngăn chặn tia UV xâm nhập vào tế bào da. Lớp màng này có thể là vật lý hoặc hóa học, hoạt động thông qua cơ chế phản xạ, hấp thụ hoặc tán xạ mặt trời. Mục đích cuối cùng là hạn chế lượng tia UV xâm nhập vào tế bào da.
- Viên uống chống nắng: Là tập hợp các chất chống oxy hóa, giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể và chống viêm. Thực tế, viên uống chống nắng không tạo thành lớp màng bảo vệ và tia UV vẫn xuyên qua da. Nhưng nhờ hoạt động của các chất chống oxy hóa sẽ ức chế sản sinh melanin nên da không bị đen sạm đồng thời ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm, giảm thiểu cháy nắng và mẩn đỏ da.
"Từ đó có thể thấy viên uống chống nắng và kem chống nắng hoạt động thông qua hai cơ chế khác nhau và hoàn toàn không thể thay thế được mà chỉ hỗ trợ hoặc bổ sung cho nhau", bác sĩ Thành giải thích thêm.
Vì vậy, bác sĩ Thành khuyến cáo để bảo vệ da ở thời tiết nắng nóng trên 40 độ, chúng ta nên sử dụng kết hợp viên uống chống nắng và kem chống nắng. Ngoài ra, cần nhớ phải sử dụng thêm các biện pháp chống nắng khác như đội nón rộng vành, sử dụng khẩu trang, mặc áo khoác chống nắng, đeo kính mát, dựa vào những bóng râm… để bảo vệ da tối ưu trước sự ảnh hưởng của tia UVA/UVB.
Bác sĩ Tiến Thành lưu ý thêm việc thoa kem chống nắng ở một số trường hợp cần lưu ý như người bị mụn trứng cá bôi kem chống nắng sẽ bị bít chân lông lại, làm mụn dễ bị sưng tấy.
Một số người còn có phản ứng với kem chống nắng như bị ngứa rát, nổi đỏ... Một số người da có những tổn thương nên cũng không thể bôi kem chống nắng. Những người này cần sử dụng viên uống chống nắng thay kem chống nắng.
Để bảo vệ làn da dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè, điều cần thiết là nên tránh ra nắng giữa thời điểm nắng gắt đỉnh điểm, khoảng 9-16h. Cần uống đủ nước, ít nhất 1,5-2 lít nước/ngày, nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.
Giúp làn da khỏe từ bên trong chúng ta cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…
Cuối cùng, theo bác sĩ Tiến Thành, muốn chống nắng có hiệu quả, khi thoa kem chống nắng, sau 3 giờ phải thoa lại, thoa một lớp đủ độ dày để có tác dụng, thoa cả ngày nắng và không nắng, thoa cả khi làm việc ở văn phòng… Chỉ như vậy bạn mới có được làn da khỏe mạnh dưới ánh nắng của mùa hè như hiện nay.