Giáo dục

Sửa đổi Luật Giáo dục đại học: Kiến tạo hệ thống quản trị tiên tiến

01/07/2025 07:07

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục đại học; xây dựng hệ thống quản trị đại học tiên tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Đó là một trong 6 nhóm chính sách quan trọng khi sửa đổi Luật Giáo dục đại học.

Từ “quản lý - kiểm soát” sang “kiến tạo - giám sát”

Nhận định về chính sách đưa ra trong dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), bà Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, nhận định: Về mục tiêu, chính sách đã xác định rõ định hướng chuyển vai trò của Nhà nước từ “quản lý - kiểm soát” sang “kiến tạo - giám sát”, tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học đi kèm trách nhiệm giải trình và kiểm định độc lập.

Cùng bám sát định hướng lớn trong các văn kiện Đảng, nhấn mạnh vai trò của đại học trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tầm nhìn mục tiêu có sự cập nhật, tiệm cận thông lệ quốc tế (quản trị đại học đa bên, mở rộng vai trò hội đồng trường, giám sát dựa trên đầu ra, công khai dữ liệu).

Nội dung chính sách đã xác định vai trò pháp lý cho các loại hình cơ sở giáo dục đại học; tăng cường quyền tự chủ toàn diện: Từ học thuật, tổ chức bộ máy, tài chính, liên kết đào tạo... đặc biệt trong tổ chức chương trình đào tạo, ngoại trừ các ngành đặc thù (y khoa, an ninh, pháp luật).

Đồng thời, đổi mới mô hình quản trị: Thu gọn mô hình hai cấp (trừ đại học quốc gia, đại học vùng); xác định rõ trách nhiệm hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường, giảm thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Tích hợp quy trình quản lý mở ngành, kiểm định, đăng ký hoạt động đào tạo, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ thực hiện các thủ tục hành chính. Hiệu lực quản lý Nhà nước được tăng cường thông qua số hóa quản lý, hệ thống dữ liệu quốc gia, xác thực điện tử, kiểm định chất lượng đầu ra.

Giải pháp thực hiện chính sách có tính khả thi cao, cụ thể: Tận dụng chuyển đổi số làm đòn bẩy đổi mới quản trị; gắn quyền tự chủ với công cụ kiểm định chất lượng độc lập và minh bạch dữ liệu giáo dục; quy định rõ các trường hợp bị đình chỉ, xử lý trách nhiệm với các đơn vị đào tạo yếu kém.

Từ thực tiễn, bà Ngô Thị Phương Lan nêu ra một số hạn chế, như chưa có khung phân loại mức độ tự chủ, việc trao quyền đồng loạt có thể dẫn đến bất bình đẳng giữa các trường. Từ đó đề xuất cần quy định lộ trình phân tầng tự chủ dựa trên kiểm định chất lượng và năng lực nội tại. Ngoài ra, hoạt động giám sát - giải trình chưa cụ thể hóa; cần có cơ chế rõ ràng hậu kiểm và trách nhiệm khi xảy ra sai phạm. Do đó, nên bổ sung điều khoản về công khai thông tin, kiểm tra định kỳ và đánh giá kết quả đầu ra.

Bà Ngô Thị Phương Lan đồng thời nêu thực trạng còn thiếu cơ chế phối hợp liên cấp trong quản lý (mô hình hiện nay có các trường thuộc Bộ, tỉnh, các lực lượng khác nhau...); chưa quy định thống nhất hệ thống dữ liệu toàn ngành, dẫn đến nguy cơ phân tán, khó quản lý hiệu quả chất lượng giáo dục. Từ đó, đề xuất thiết lập cơ chế phối hợp liên thông giữa Bộ - địa phương - các đơn vị chủ quản; tích hợp toàn ngành về cơ sở dữ liệu giáo dục đại học, công khai kết quả kiểm định và tài chính hằng năm.

kien-tao-he-thong-quan-tri-tien-tien2.jpg
Ảnh minh họa INT.

Kiến tạo hệ thống giáo dục đại học số, mở, linh hoạt, liên thông

Bày tỏ nhất trí với mục tiêu của chính sách nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến, ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, nhận định: Dự thảo đã làm rõ việc cần thiết thiết lập khuôn khổ pháp lý minh bạch, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Phương án đề xuất tăng cường tự chủ và mở rộng phạm vi áp dụng quản trị đa thành phần là phù hợp để giải quyết những tồn tại hiện hành.

Tuy nhiên, ông Bùi Hoài Sơn đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương trong quản trị đại học, cũng như cơ chế bảo đảm kiểm soát về chất lượng và tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời, ông đề nghị làm rõ quy trình chuyển đổi mô hình quản trị hiện hành sang mô hình mới (ví dụ về lộ trình chuyển giao thẩm quyền, xây dựng hội đồng trường); nên quy định các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản trị (cạnh tranh bình đẳng, chất lượng đào tạo, thu hút đầu tư) để giám sát thực thi chính sách. Cùng đó, cần cân nhắc cơ chế hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ trong quản trị đại học để đón đầu xu thế toàn cầu hóa đào tạo.

Cũng cơ bản nhất trí với dự thảo chính sách, tuy nhiên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến bày tỏ băn khoăn khi vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với cả hệ thống không rõ ràng. Cụ thể: Trong nội dung này đặt ra mục tiêu “kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến”, nhưng hiện không có quy định nào làm rõ cơ cấu và hoạt động của hệ thống này.

“Theo định hướng chung hiện nay trên thế giới và Việt Nam, chúng ta cần kiến tạo một hệ thống giáo dục đại học số, mở, linh hoạt, liên thông, học tập suốt đời, bao gồm các trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Tôi cho rằng, để đáp ứng đúng nội dung của chính sách này cần có quy định với nội dung như trên; trong đó các khái niệm “mở”, “linh hoạt”, “liên thông” cần làm rõ. Việc quy định trình độ cao đẳng trong hệ thống giáo dục đại học không thể tránh né, để bảo đảm có cách tiếp cận nhất quán và phù hợp với thông lệ quốc tế trong quan niệm về giáo dục đại học”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu quan điểm.

Với chính sách nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến, dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) đưa ra 5 nội dung: Quản lý hiệu quả hoạt động giáo dục đại học, thống nhất và bao quát các bên tham gia; Tăng cường tự chủ, nâng cao năng lực quản trị của cơ sở giáo dục đại học và hiệu lực quản lý Nhà nước; Đổi mới phương thức quản lý Nhà nước và tối ưu hóa hoạt động của hệ thống giáo dục đại học; Quản lý thống nhất các địa điểm đào tạo, tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học; Thiết lập hệ thống giáo dục đại học công bằng, bình đẳng, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu người học.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/sua-doi-luat-giao-duc-dai-hoc-kien-tao-he-thong-quan-tri-tien-tien-post737148.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/sua-doi-luat-giao-duc-dai-hoc-kien-tao-he-thong-quan-tri-tien-tien-post737148.html
Bài liên quan
Dự án Luật Giáo dục Đại học sửa đổi: Lối mở cho tự chủ đại học
Định hướng của dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi là tăng tối đa quyền tự chủ cho các trường đại học (tự chủ được hiểu là quyền tự chủ và chịu trách nhiệm).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sửa đổi Luật Giáo dục đại học: Kiến tạo hệ thống quản trị tiên tiến