Tuy nhiên, cần lưu ý công dụng của các vị thảo dược để lựa chọn thích hợp, phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi lựa chọn các vị thuốc thêm vào nước ngâm chân của mình. Tuyệt đối không được dùng các loại nước có tính kích thích mạnh và ăn mòn.
Dụng cụ ngâm chân có thể là thau, chậu làm bằng gỗ, sứ hoặc dùng các chậu bằng điện có tích hợp thêm các sóng siêu âm kích thích, đây là loại máy phổ biến trong giai đoạn gần đây và đang được bày bán tại các cửa hàng vật tư y tế, trên các trang mua sắm online.
Loại chậu này có công dụng vượt trội hơn nhờ các sóng siêu âm kích thích giúp tăng lượng máu lưu thông, bên cạnh đó nhiệt độ của nước là chính xác vì máy có hiển thị nhiệt độ và nhiệt độ này được duy trì trong suốt quá trình trị liệu mà không bị nguội nhanh như các thiết bị truyền thống.
Tư thế ngâm chân là ngồi thoải mái trên ghế, tốt nhất là ghế tựa và êm ái để tạo cảm giác thoải mái nhất có thể. Nên thực đều đặn mỗi ngày trước khi đi ngủ, thời gian ngâm chân hiệu quả nhất là 10 – 15 phút.
Nếu sử dụng các dụng cụ ngâm chân truyền thống cần thử trước nhiệt độ nước trước khi ngâm để điều chỉnh cho phù hợp, không nên ngâm chân bằng nước quá nóng vì ngoài gây bỏng da còn làm cơ thể bạn toát nhiều mồ hôi trước khi ngủ, điều này là không tốt.
Khi ngâm chân, nên ngâm ngập cổ chân, trên mắt cá khoảng 2cm. Đây là nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ khi ngâm chân vì ở cổ chân có 3 đường kinh dương (túc thiếu dương: đởm, túc dương minh: vị, túc thái dương: bàng quang); 3 đường kinh âm (túc thái âm: tỳ, túc thiếu âm: thận, túc quyết âm: can); đồng thời, cũng là nơi có nhiều huyệt nguyên, huyệt tỉnh nên phải để nước ngập cổ chân cho thuốc tác động lên các huyệt đạo, các đường kinh, can, tỳ, thận, bàng quang, kinh đởm, kinh vị làm cho khí huyết trong kinh mạch này lưu thông để từ đó tác động lên toàn bộ cơ thể.
Với lợi ích là ngâm chân nước nóng dễ ngủ, nên có rất nhiều người áp dụng phương pháp này. Tuy nhiên, nếu là người già hoặc trẻ em thì cần có người trợ giúp vì những đối tượng này khó khăn trong quá trình pha nước cũng như dễ xảy ra các tai nạn trong khi ngâm chân. Cần theo dõi để kịp thời xử trí và hỗ trợ bất cứ lúc nào người thân bạn cần sự trợ giúp.
Lưu ý khi thực hiện
Tuyệt đối không được ngâm chân trong vòng 30 phút sau bữa ăn. Lúc này cơ thể cần tập trung lượng máu đến hệ tiêu hóa giúp hấp thu thức ăn hiệu quả nhất. Nếu lúc này ngâm chân làm dồn lượng máu xuống chân thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của cơ thể, lâu dài gây nên thiếu hụt chất dinh dưỡng, có thể gây ra suy dinh dưỡng.
Nhiệt độ nước ngâm chân nên từ 40 đến 50 độ C, không nên dùng nước quá nóng. Nhiệt độ nước ngâm chân quá cao vừa gây nên những tổn thương ở chân vừa làm tăng kích thước các mạch máu của bàn chân, ảnh hưởng đến phân bố tuần hoàn của cơ thể điều này ảnh hưởng xấu vì máu không tập trung cho những cơ quan quan trọng như tim, phổi, não.
Không nên ngâm chân quá lâu. Nếu ngâm chân trên 20 phút cũng sẽ gây rối loạn phân bố tuần hoàn của cơ thể. Thêm vào đó vào mùa đông, nếu thời gian ngâm chân quá dài gây nên da khô và mẩn ngứa.
Không nên ngâm chân trong những ngày hành kinh do lúc này cơ thể đang mệt mỏi và bị mất máu. Nên ưu tiên máu đến tử cung để hạn chế và giảm bớt đau bụng kinh.
Sau khi ngâm chân xong không nên ngủ ngay mà cần lau khô và đợi chân cân bằng nhiệt độ với cơ thể.