Anh P. kể, trong lúc làm nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân cần cấp cứu, anh cũng như một số đồng nghiệp cùng đơn vị gặp những người tình nguyện "hộ tống xe cấp cứu" là thanh, thiếu niên sử dụng xe máy đã "độ, chế". Họ tập trung thành từng nhóm 5-7 người, đuổi theo xe cứu thương rồi lao lên trước nhận việc "mở đường". Chưa kể, họ không được đào tạo bài bản về việc "mở đường".
"Việc làm này không chỉ nguy hiểm cho chính bản thân những thanh niên tình nguyện này mà còn gây trở ngại việc di chuyển của xe cấp cứu" – anh P. bày tỏ.
Cũng theo anh P., trên thực tế, đội ngũ tài xế xe cứu thương là những người đã được đào tạo. Hơn nữa, xe cứu thương còn là phương tiện được trang bị hệ thống đèn ưu tiên và còi hụ; là một trong 5 loại phương tiện được quyền ưu tiên đi trước xe khác theo Luật Giao thông đường bộ. Việc người đi đường buộc phải nhường đường cho xe cứu thương đang làm nhiệm vụ cấp cứu bệnh nhân là bắt buộc.
Do đó, mặc dù rất cảm kích trước tấm lòng và sự nhiệt tình của một số bạn trẻ "mở đường" nhưng nhìn thẳng vào sự thật thì đây là hành động nguy hiểm.
Thượng úy Trương Huỳnh Tuấn Anh nhìn nhận, hành động "mở đường" của nhiều đội, nhóm tự phát hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông trên đường. Điển hình, thời gian quan, trên địa bàn quận 10 đã ghi nhận một số vụ tai nạn do các thành viên của các đội, nhóm "mở đường" như câu chuyện anh P. kể gây ra.
Liên quan vấn đề này, Phòng CSGT, Công an TP HCM cũng nhiều lần phát cảnh báo, tuyên truyền, xử lý các trường hợp vi phạm. Song, các đội, nhóm này vẫn hoạt động và ngày càng rầm rộ. "Dù làm việc thiện nguyện, giúp đỡ cộng đồng nhưng phải tuân thủ pháp luật. Khi đó, những hành động phát tâm đó mới trở nên đẹp đẽ, được xã hội tôn vinh, trân trọng" - thượng úy Tuấn Anh bày tỏ.
Cùng ngày, Đội CSGT – Trật tự còn tổ chức kiểm tra hàng loạt xe cứu thương đang dừng, đỗ trên địa bàn. Đến chiều cùng ngày, chưa ghi nhận vi phạm liên quan việc quản lý, sử dụng đèn tín hiệu, còi hụ.