Đây là lần đầu tiên có hình ảnh cụ thể về việc Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr từ biển Caspi trong cuộc xung đột ở Ukraine, bên cạnh các tên lửa hạng nặng như Kh-101 và Kh-555.
Theo tờ Defense Express, video do một ngư dân Nga quay lại, cho thấy cảnh hai tên lửa hành trình Kalibr bay rất sát mặt nước trên biển Caspi. Do tên lửa bay thấp như vậy nên ngư dân Nga mới thể quay video rõ cận cảnh.
Trong cuộc xung đột ở Ukraine, các tên lửa hành trình Nga thường bay thấp nhất có thể để tránh radar phòng không Ukraine, cũng như giảm thiểu nguy cơ bị đánh chặn.
Cận cảnh tên lửa hành trình Kalibr của Nga bay thấp sát mặt nước
Không rõ video được quay khi nào, nhưng cuộc tập kích gần nhất có sử dụng tên lửa Kalibr của Nga là vào ngày 8/7. Ukraine nói Nga phóng 44 tên lửa, trong đó 36 tên lửa bị đánh chặn. Tuy nhiên, Kiev cũng ghi nhận 41 người thiệt mạng và ít nhất 170 người bị thương.
Truyền thông Ukraine nhận định, tên lửa trong video là mẫu Kalibr được phóng từ trên biển, có tầm bắn từ 1.500 - 2.500km.
Tên lửa Kalibr có hình dạng rất khác so với các tên lửa hạng nặng Kh-101 hay Kh-555
Defense Express cũng đăng ảnh đồ họa mô tả tên lửa có Kalibr tầm bắn 1.500km, nếu phóng từ biển Caspi có thể tấn công hầu hết mục tiêu trong lãnh thổ Ukraine, trừ khu vực phía tây.
Hải quân Nga sở hữu Hạm đội Biển Caspi với 3 tàu tên lửa lớp Buyan-M. Mỗi tàu có khả năng phóng 8 tên lửa hành trình Kalibr.
Đồ họa mô phỏng tầm bắn của tên lửa Kalibr nếu được phòng từ Biển Caspi.
Mặc dù Biển Caspi là vùng biển kín, nhưng hải quân Nga hoàn toàn có thể đưa các tàu tên lửa cỡ nhỏ từ Biển Đen qua Biển Azov, qua một chuỗi các con sông và kênh đào Don-Volga để tới Biển Caspi.
Tuyến đường này hoàn toàn có thể được các tàu tên lửa lớp Buyan-M sử dụng mà Nga không cần tháo dỡ tàu, Defense Express cho biết.
Biển Caspi tuy là vùng biển kín nhưng các tàu tên lửa Nga có thể đi qua từ Biển Azov, qua một chuỗi các con sông và kênh đào.
Biển Caspi được coi là vùng biển tương đối an toàn, hiếm khi Ukraine tìm cách tấn công tàu chiến Nga. Xuồng tự sát Ukraine không thể xâm nhập vùng biển này do rào cản địa lý.