(GDTĐ) - Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Bến Tre năm 2023, hướng đến các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và những năm tiếp theo, với chủ đề “ĐBSCL - Cơ hội đầu tư Du lịch xanh" vừa diễn ra tại tỉnh Bến Tre.
Đến dự Hội nghị có ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre; bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre; ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre và đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành trong tỉnh;
Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM và các đại biểu lãnh đạo các Sở VHTTDL, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và hơn 30 doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư đến từ TP.HCM cùng tham dự tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Du lịch TP.HCM và Bến Tre năm 2023.
Tăng cường hợp tác phát triển du lịch
Đây là dịp để các địa phương gặp gỡ, giao lưu, thảo luận, trao đổi các nội dung, giải pháp nhằm phát huy hiệu quả mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực đầu tư du lịch giữa TP. HCM, Bến Tre và các tỉnh, thành ĐBSCL trong những năm tới.
Qua đó, tăng cường kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư tại TP.HCM đến khảo sát các dự án, các điểm đến, sản phẩm du lịch tại Bến Tre; tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư của TP.HCM, Bến Tre và các tỉnh, thành ĐBSCL trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: TP.HCM sẵn sàng phối hợp với tất cả các địa phương để giới thiệu, thông tin, kết nối và mời gọi đầu tư để tăng cường sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như cả vùng; TP.HCM đề nghị mỗi địa phương trong liên kết tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch, sản phẩm du lịch mới.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với TP.HCM nhằm kết nối, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm năng trong nước và nước ngoài đầu tư vào các dự án, đề án của các tỉnh, thành trong vùng liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đang có những cơ hội rất lớn để tăng tốc phát triển trong khu vực của 14 tỉnh, thành và liên kết với các kế hoạch cụ thể hàng năm và những năm tiếp theo;
TP.HCM tin rằng, với sự nỗ lực của chúng ta sẽ xây dựng thương hiệu du lịch vùng giữa TP.HCM và ĐBSCL trở thành thương hiệu du lịch mạnh của Việt Nam và cạnh tranh với các điểm đến du lịch trong khu vực.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020 – 2025, đồng thời trao đổi, thảo luận đưa ra các nội dung, giải pháp phát huy hiệu quả quan hệ hợp tác trên lĩnh vực đầu tư du lịch giữa TP.HCM, Bến Tre và các tỉnh, thành ĐBSCL; Qua đó tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư của TP.HCM, Bến Tre và các tỉnh, thành ĐBSCL trong những năm tiếp theo.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đã báo cáo kết quả triển khai nội dung, xúc tiến đầu tư du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong thời gian qua và cho biết, Bến Tre có nhiều điểm sáng thu hút đầu tư du lịch năm 2023. Trong đó, Bến Tre có nhiều dự án đầu tư du lịch phù hợp với xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp, với sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, các điểm đến và dịch vụ vệ tinh đã hoàn chỉnh hơn.
Cơ hội xúc tiến ưu đãi nhà đầu tư
Tại hội nghị, Bến Tre giới thiệu cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tổng quan về 23 dự án mà tỉnh Bến Tre ưu tiên mời gọi đầu tư trên lĩnh vực du lịch. Các đại biểu cũng có những tham luận đánh giá tiềm năng, lợi thế thu hút đầu tư du lịch của tỉnh Bến Tre. Từ đó, có những đóng góp xây dựng góp phần cho sự phát triển ngành du lịch tại địa phương.
Để tăng cường công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng như các tỉnh ĐBSCL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà tỉnh Bến Tre tập trung trong thời gian tới như: Tập trung thực hiện tốt cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phù hợp điều kiện với từng địa phương; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư cho khu vực động lực, khu vực tiềm năng dựa trên lợi thế của từng địa phương; tập trung xây dựng và nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện các đầu mối kết nối giao thông.
Huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, đặc biệt là đầu tư vào các khu, điểm theo quy hoạch và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nổi phù hợp, các sản phẩm du lịch đặc thù. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, từng bước thúc đẩy chương trình liên kết phát triển du lịch, liên kết vùng đi vào chiều sâu và toàn diện hơn. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 10/5/2023 của Chính Phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận lợi, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười nêu rõ.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Hàng hải Thủ Đức - Tổng thư ký Câu lạc bộ Du thuyền Thành phố Thủ Đức cho biết, Bến Tre dư địa sông nước miệt vườn xứ dừa, Tỉnh Bến Tre có điều kiện thuận lợi cho du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt, Bến Tre có nhiều lợi thế sẵn có về di tích văn hoá lịch sử của quê hương Đồng Khởi; cần có mô hình bằng các sản phẩm du lịch tâm linh của địa phương như tỉnh Tây Ninh, nhằm thu hút một lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan. Bên cạnh đó, Bến Tre với lợi thế "sông liền sông" cùng các dòng sông: Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên. Bến Tre có thế mạnh dạng ưu tiên kêu gọi đầu tư theo chủ trương phát triển du lịch xứ dừa với kinh tế ven sông, cùng các hạ tầng đi kèm là bến du thuyền và các sản phẩm gia tăng như mô hình thuyền BBQ (thuyền BBQ là mô hình thuyền nhỏ, tự lái được thiết kế hình bánh rán, có trang bị bàn ăn tự nướng, chạy bằng điện, thân thiện với môi trường); mô hình Water Taxi chạy bằng điện, để từ đó tăng cường các tour, tuyến liên kết giữa 13 tỉnh ĐBSCL với TP. HCM trong những năm tới, ông Nguyễn Trần Hữu Thắng chia sẻ thêm tại Hội nghị.
Trong khuôn khổ Hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết và trao Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre với 17 doanh nghiệp, nhà đầu tư của TP HCM về phát triển du lịch Bến Tre. Trong đó, có 4 doanh nghiệp là nhà đầu tư ở Bến Tre. Từ đây sẽ mở đầu cho sự phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ bổ trợ du lịch trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Bến Tre./.
Hiện toàn tỉnh Bến Tre có 23 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư du lịch phân bổ trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh. Về chính sách ưu đãi đầu tư, hiện tỉnh Bến Tre đang thực hiện theo các chính sách ưu đãi theo quy định của Trung ương, bao gồm các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể, trên địa bàn các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp: 10% áp dụng 15 năm đầu; miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo; trên địa bàn các huyện: Châu Thành, Giồng Trôm, Chợ Lách được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp: 17% áp dụng 10 năm đầu, miển 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 4 năm tiếp theo.