Nhà trường và doanh nghiệp đã có những hợp tác trong tổ chức, vận hành chương trình đào tạo rất đa dạng như tổ chức thực hành tại DN; tổ chức thực tập trải nghiệm tại DN; DN cử chuyên gia hướng dẫn thực hành, thực tập; cử chuyên gia đến giảng một số môn học chuyên ngành; cử chuyên gia cùng hướng dẫn đồ án tốt nghiệp…
Lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trực tiếp có mặt tại gian tư vấn tuyển sinh của trường. |
Cũng theo lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, việc phát triển mô hình đào tạo gắn kết giữa Nhà trường với doanh nghiệp vẫn luôn được xem là yêu cầu quan trọng được đặt ra. Việc hợp tác với DN đang được coi là một trong các giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó xây dựng thương hiệu trường đại học. Mối liên kết này đang trở thành chiến lược tạo thế mạnh cạnh tranh trong tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo đáp ứng được nguồn nhân lực trình độ cao cho thị trường lao động.
Nhà trường luôn coi doanh nghiệp là một bên liên quan quan trọng trong thiết kế, phát triển Chương trình đào tạo (CTĐT); Chương trình đào tạo cần có tỷ trọng thực hành, thực tập phù hợp (35 - 40%) để gia tăng kiến thức, kỹ năng thực tế cho sinh viên; trong CTĐT có thiết kế 1 số môn học chuyên ngành có sự tham gia đồng giảng một phần bởi chuyên gia từ DN.
Năm 2023, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển sinh 7.500 chỉ tiêu đại học chính quy cho 51 ngành/chương trình đào tạo. Nhà trường sẽ mở mới một số ngành/chương trình đào tạo như: Năng lượng tái tạo; Kỹ thuật sản xuất thông minh; Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh; Ngôn ngữ học.