Tạo điều kiện học tập cho mọi học sinh, sinh viên
- Theo ông, việc tăng học phí có giúp các trường phát triển?
- Trước đây, học phí chỉ là một phần chi phí. Với các trường tự chủ, Nhà nước không cung cấp ngân sách, học phí sẽ là khoản bù đắp cho chi phí của nhà trường. Cho nên, việc tăng học phí là xu hướng tất yếu, giúp các trường duy trì và phát triển.
Nhưng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các trường nên tính phương án khác để bù đắp thiếu hụt đó: Lấy khoản tích lũy để bù vào những phần thâm hụt. Sinh viên bị nhiễm Covid-19, cán bộ, giảng viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên cần có khoản trợ cấp cho họ… Và các khoản chi phí này được lấy từ nguồn tích lũy.
- Nhiều người cho rằng, tăng học phí vào thời điểm này có thể trở thành gánh nặng cho người dân. Quan điểm của ông như thế nào?
- Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 thì mọi người cần chia sẻ với nhau. Nhưng nếu nói, học phí là gánh nặng cho người dân thì cũng không hẳn; bởi thực tế từ trước đến nay chúng ta thấy, học phí chưa bù đắp hết những chi phí. Xu hướng tất yếu là thực hiện theo nguyên tắc giá. Tức là tính đúng, tính đủ, bảo đảm thu phải đủ bù chi, nhất là khi Nhà nước không cấp các nguồn kinh phí thường xuyên.
- Ông có đề xuất giải pháp gì để mọi học sinh, sinh viên đều được tiếp cận với chất lượng giáo dục, đào tạo tốt?
- Theo tôi, chiến lược lâu dài là cần hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, nhất là với những em có hoàn cảnh khó khăn, năng lực học tập tốt. Theo đó, cần có nhiều biện pháp hỗ trợ để các em được tiếp cận với điều kiện học tập tốt, kể cả những chương trình chất lượng cao, với mức chi phí lớn.
Có hai phương án hỗ trợ: Nhà nước không cấp ngân sách cho các cơ sở đào tạo. Nhưng phần kinh phí này được cho vào các quỹ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên. Đó có thể là quỹ học bổng để đặt hàng cho những trường đào tạo sinh viên thuộc đối tượng chính sách xã hội, học sinh, sinh viên nghèo, có năng lực tốt. Những em thuộc diện này cần được Nhà nước cấp học bổng để học tập (nguồn ngân sách Nhà nước không cấp cho các trường sẽ trở thành nguồn học bổng cho người học). Như vậy, Nhà nước đầu tư đúng đối tượng và không đầu tư tràn lan.
Tiếp đó, bản thân các trường tự chủ cũng phải có chính sách đối với những học sinh có năng lực, học sinh học giỏi, có điều kiện khó khăn. Thường thì các trường sẽ trích một phần từ nguồn thu học phí để thành lập quỹ học bổng, khuyến khích học tập để hỗ trợ sinh viên thuộc diện này.
Tôi cho rằng, nếu làm tốt cả hai giải pháp trên, chúng ta sẽ không phải e ngại: Tăng học phí thì những sinh viên giỏi, hoàn cảnh khó khăn không theo được những chương trình đào tạo tốt.
- Xin cảm ơn ông!