Tạo đột phá về thể chế KHCN và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới

14/11/2024 18:27

Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần tăng cường nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách KHCN và đổi mới sáng tạo mang tính đặc thù, giải pháp đột phá, vượt trội để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách, trọng điểm của quốc gia như: Net Zero, đường sắt tốc độ cao, điện hạn nhân, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo..

Tạo đột phá về thể chế KHCN và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới- Ảnh 1.
TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Ngày 14/11, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức Hội nghị thường niên năm 2024: "Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo".

Hội nghị là diễn đàn để nhà quản lý, nhà hoạch định chiến lược, chính sách, các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, nhận diện đầy đủ các vướng mắc, bất cập, hạn chế trong thể chế về KHCN, từ đó đề xuất giải pháp đột phá để hoàn thiện thể chế, pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực, là nguồn lực, là quốc sách cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành hữu quan đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo. Nhờ đó, nền KHCN nước nhà đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, thiết thực góp phần vào công cuộc phát triển đất nước.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đứng trước giai đoạn phát triển mới của đất nước, thể chế về KHCN một mặt đang bộc lộ những bất cập, những điểm nghẽn cần tháo gỡ, mặt khác chưa tạo được động lực, nguồn lực, chưa có các giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của KHCN và đổi mới sáng tạo để KHCN thực sự trở thành quốc sách hàng đầu.

Một số chính sách còn chậm được thể thể hóa hoặc chưa được thể thể hóa đầy đủ, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống pháp luật về KHCN chưa đảm bảo tính thống nhất, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với vai trò là quốc sách hàng đầu của KHCN; chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh các nhà khoa học còn nhiều hạn chế…

"Hội nghị hôm nay càng có ý nghĩa khi chúng ta đang tích cực chuẩn bị văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, trong đó có nội dung về KHCN, đổi mới sáng tạo được đề cao với hàm lượng lớn. Bên cạnh đó, vai trò của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cũng được đề cao, là đột phá của đột phá", TS. Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.

Tạo đột phá về thể chế KHCN và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới- Ảnh 2.
Hội nghị thường niên năm 2024: "Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo" - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Tạo lập môi trường thuận lợi hơn cho KHCN và đổi mới sáng tạo

Tại Hội nghị, trao đổi, góp ý một số nội dung của dự thảo đề cương Luật KHCN và đổi mới sáng tạo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội cho rằng, cần có những đổi mới mạnh mẽ, toàn diện mang tính đột phá trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan theo hướng tạo lập môi trường thuận lợi hơn nữa (cả về chính sách và thực tiễn) cho KHCN và đổi mới sáng tạo; cần bổ sung trong luật chính sách thu hút nhân tài.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, chính sách thu hút nhân tài nên thực hiện với nhiều đối tượng, nhiều địa bàn và từ nhiều nguồn khác nhau. Về đối tượng thu hút nhân tài có thể dựa trên năng lực, khả năng đóng góp vào sự phát triển của đất nước, địa phương, không phân biệt bằng cấp, địa vị xã hội hay quốc tịch.

Chia sẻ về hoạt động thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, GS. TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, từ năm 2021 – 5/2024, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã được cấp 246 văn bằng sở hữu trí tuệ. Nhiều sản phẩm, công nghệ đã được ứng dụng trong thực tiễn và đem lại những hiệu quả được người dân và xã hội ghi nhận như: Sơn chống cháy, sơn bức xạ nhiệt, phầm mềm dịch ngôn ngữ hiếm…

Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ là các yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên tại Việt Nam nói chung, tại Viện Hàn lâm KHCN nói riêng, hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ còn gặp nhiều thách thức về mặt cơ chế, chính sách.

Theo GS. TS. Chu Hoàng Hà, bản thân quá trình thương mại hóa kết quả khoa học đã phức tạp. Do đó, chính sách cần đơn giản hóa để triển khai, đưa kết quả khoa học vào cuộc sống, tạo tác động xã hội.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đề xuất giao quyền sở hữu và quyền quyết định kết quả khoa học cho đơn vị chủ trì nhiệm vụ KHCN; khuyến khích các nhà khoa học tham gia điều hành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (spin off) triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học.

Trong khi đó, đại diện cho Đại học Quốc gia TPHCM, PGS.TS. Lê Văn Thăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính. Kinh phí cần "đủ và đúng thời điểm" để đảm bảo tính mới và hiệu quả của đề tài.

Bên cạnh đó, đổi mới phương pháp xây dựng kế cho hoạt động KHCN phù hợp với đặc thù: Mở rộng phạm vi và khuôn khổ tài trợ của mô hình quỹ KHCN.

PGS.TS. Lê Văn Thăng đề nghị tạo cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 Luật KHCN nhằm làm rõ vai trò của đại học Quốc gia, đại học Vùng và Viện Hàn Lâm; trao quyền tự chủ lớn hơn cho các tổ chức KHCN quan trọng; thực hiện cơ chế vượt trội nhằm thu hút và giữ chân nhân tài theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW...

Tạo đột phá về thể chế KHCN và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới- Ảnh 3.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu kết luận hội nghị - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách, trọng điểm của quốc gia

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về KHCN và đổi mới sáng tạo đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ và toàn diện. Bộ KH&CN đang tích cực triển khai xây dựng 4 dự án luật/hồ sơ đề nghị xây dựng luật (bao gồm: Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật KHCN và đổi mới sáng tạo; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử).

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật của Bộ, của ngành KHCN, được thực hiện trong thời gian dài với trình tự, thủ tục gồm nhiều bước, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và các bộ, ngành, cơ quan liên quan, tích cực hoàn thiện các cơ chế, chính sách KHCN và đổi mới sáng tạo theo những định hướng trọng tâm.

Cụ thể là, đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, tập trung, làm rõ và tăng cường trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương đối với công tác quản lý nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo; đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý chương trình, nhiệm vụ KHCN.

Hoàn thiện quy định về quyền sở hữu, quyền sử dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phân chia lợi nhuận, chuyển giao, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu.

Hoàn thiện chính sách phát triển tiềm lực KHCN. Trong đó tập trung, tăng thu nhập thường xuyên cho nhân lực nghiên cứu của tổ chức KHCN, tạo điều kiện cho nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, hạn chế phải làm nhiều thủ tục hành chính.

Thúc đẩy phát triển nhân lực KHCN và đổi mới sáng tạo ở cả khu vực các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường và doanh nghiệp. Huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng, chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý và chia sẻ dữ liệu thông tin KHCN và đổi mới sáng tạo.

Đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nhà khoa học đầu ngành, các cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học, mở rộng phạm vi, đối tượng khen thưởng phù hợp với các thành phần tham gia hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tăng cường các chính sách thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, hoàn thiện quy định về quỹ phát triển KHCN, quy định về ưu đãi, hỗ trợ, tài trợ của doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, hoàn thiện quy định về xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước có bên tham gia là doanh nghiệp. Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (Spin-off) từ sáng chế, công nghệ. ..

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần tăng cường nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, giải pháp mang tính đột phá, vượt trội để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách, trọng điểm của quốc gia như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Net Zero, đường sắt tốc độ cao, điện hạn nhân và các lĩnh vực mũi nhọn như công nghiệp bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo.., bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo.


Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/tao-dot-pha-ve-the-che-khcn-va-doi-moi-sang-tao-trong-ky-nguyen-moi-102241114181447311.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/tao-dot-pha-ve-the-che-khcn-va-doi-moi-sang-tao-trong-ky-nguyen-moi-102241114181447311.htm
Bài liên quan
Học sinh trải nghiệm ngày hội khoa học công nghệ
Ngày 7/12, Ngày hội khoa học công nghệ OPEN STEM DAY 2024 đã diễn ra tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở FPT Đà Nẵng, với sự tham gia của hơn 6.000 học sinh, phụ huynh và giáo viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo đột phá về thể chế KHCN và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới